Trong công văn chỉ đạo, Thủ tướng đã yêu cầu tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tại địa phương, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB) cùng với VCSB rà soát lại toàn bộ các tài sản (do VCSB chuyển giao cho VCB), có phát sinh chênh lệch về diện tích thực địa giữa biên bản bàn giao và thực trạng hiện nay.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người có liên quan, nếu xảy ra tình trạng lấn chiếm hoặc làm thất thoát tài sản và có biện pháp thu hồi, trên cơ sở đó sớm hoàn chỉnh thủ tục pháp lý của tài sản để đảm bảo quyền lợi cho người trúng đấu giá.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương chủ động định giá tài sản phù hợp với giá thị trường để tổ chức phát mãi, tạo điều kiện về thủ tục, hồ sơ cho người trúng đấu giá nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà đất.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, từ năm 1993 đến năm 1999, lợi dụng chủ trương tăng vốn điều lệ và cho vay tín dụng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu, ông Lê Ân, cùng một số cán bộ dưới quyền đã ký nhiều khế ước cho vay đối với những tài sản thế chấp không hợp pháp hoặc nâng khống giá trị tài sản thế chấp để cho vay với số lượng lớn.
Những sai phạm này đã khiến ngân hàng bị thất thoát 21 tỷ đồng và lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, phải đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt. Tháng 8/1999, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, và khởi tố bị can với 7 cán bộ của VCSB, trong đó có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc, về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
TTX