Phát hiện hầm rượu vang gần 4.000 năm

TPO – Một nhóm nhà khảo cổ học người Mỹ và Israel vừa tìm ra 40 bình rượu (mỗi bình rượu chứa khoảng 50 lít rượu vang) tại một di tích cổ ở TeL Kabri, Israel, có niên đại khoảng 4.000 năm.

Bằng cách phân tích dư lượng còn lại trong bình rượu, một nhà khoa học Mỹ phát hiện thành phần phổ biến trong rượu vang cổ đại, gồm mật ong, bạc hà và húng quế.

Nhóm nghiên cứu, gồm các chuyên gia quốc tế, cho rằng, 2.000 lít rượu ngon này được người Canaan cổ đại ủ từ năm 1.700 trước Công nguyên, với hương vị hoàn toàn khác lạ, từ húng quế, bạc hà, mật ong và nhựa cây.

Theo giáo sư Eric Cline – trưởng khoa ngôn ngữ và văn minh cổ đại phương Đông tại một trường đại học Mỹ: “Chúng tôi đi qua một vùng đất có độ sâu gần 1 mét tên là Bessie. Chúng tôi đào và đào, đột nhiên những người bạn của Bessie lần lượt xuất hiện. Đầu tiên là 5, 10 rồi 15 và rồi cuối cùng 40 chum rượu trong một phòng lưu trữ ở độ sâu 5 đến 7,5 mét. Đây là phát hiện cực kỳ quan trọng. Đó là hầm rượu vang lớn nhất và lâu đời nhất cho đến thời điểm hiện tại”.

Nhóm khảo cổ cũng phát hiện di tích rộng 3 héc ta tại khu Tel Kabri ở Israel – tàn tích của thành phố Canaan cổ đại. Hầm rượu này chứa lượng rượu tương đương 3.000 chai vang đỏ và trắng ngày nay.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ ngành Cổ đại học tại đại học Brandeis, gần Boston, Mỹ
- Andrew Koh – đã phân tích dư lượng còn lại trong chum để xác định thành phần của rượu vang cổ đại. Ông tìm thấy dấu vết của axit tartaric và syringic – 2 thành phần quan trọng trong rượu vang.

Đặc biệt, rượu vang này có công thức tương tự rượu vang sử dụng trong y học Ai Cập cổ đại 2.000 năm trước.

Tiến sỹ Koh nói: “Điều này có nghĩa, người cổ đại đã có sự tính toán công thức và cử người chuyên trách trông coi việc ủ rượu. Công thức này được tuân thủ nghiêm ngặt trong mỗi bình rượu.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, 2.000 lít rượt ngon này được tinh chế từ húng quế, bạc hà, mật ong và nhựa cây. Họ đang phân tích dư lượng rượu để tái tạo công thức của người cổ đại.

Tiến sỹ Assaf Yasur-Landau – trưởng bộ môn văn minh hàng hải tại Đại học Haifa cho biết, hầm rượu này chỉ phục vụ các vị khách quan trọng của hoàng gia.

Ông nói: “Các hầm rượu nằm gần hội trường nơi hoàng gia tổ chức yến tiệc thiết đãi tầng lớp quý tộc của Kabri và khách nước ngoài. Tuy nhiên, hầm rượu vang và các phòng tiệc đã bị phá hủy trong những vụ bạo động, động đất và chôn vùi dưới lớp bùn và thạch cao”.

Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện hai cánh cửa dẫn tới hầm rượu ở phía nam và phía tây. Họ sẽ trình bày phát hiện của mình tại cuộc họp hàng năm của Trường nghiên cứu Đông phương học tại Mỹ.

Phương Thảo
Theo dailymail

Theo Viết