Phát hiện công thức cà ri cổ xưa ở An Giang

TP - Món cà ri Ấn Độ có thể đã được du nhập vào Đông Nam Á cách đây 2.000 năm, các nhà khoa học đề xuất sau khi bằng chứng mới nhất về quá trình chế biến món ăn được tìm thấy tại thị trấn Óc Eo (An Giang).

Kể từ khi Óc Eo được khai quật lần đầu tiên vào những năm 1940, một số lượng lớn hiện vật đã chứng tỏ nơi này từng nằm ở ngã tư của một mạng lưới thương mại rộng lớn trải rộng đến tận Biển Địa Trung Hải. Nguyễn Khánh Trung Kiên, một nhà khảo cổ học tại Viện Khoa học Xã hội Nam Bộ tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt quan tâm đến một công cụ bằng đá mà ông tin rằng đã được sử dụng để chế biến gia vị. Đó là một phiến đá mài có chân làm bằng đá sa thạch, tương tự với các cổ vật đã được khai quật tại các di tích ở Ấn Độ.

Nhóm của ông Kiên đã phát hiện ra rằng các dấu vết siêu nhỏ của thực vật vẫn còn bám trên các dụng cụ, bao gồm một số lượng lớn các hạt tinh bột. Sau khi kiểm tra kỹ dưới kính hiển vi và so sánh chúng với các mẫu từ hơn 200 loài, ông và các đồng nghiệp đã xác định được 8 loại gia vị khác nhau, bao gồm gạo, nghệ, gừng, rễ ngón, riềng, đinh hương, nhục đậu khấu và quế. Đặc biệt, các hạt nhục đậu khấu vẫn tỏa ra mùi thơm đặc trưng sau 2.000 năm.

“Chúng tôi khám phá ra rằng các loại gia vị đã di chuyển từ nhiều địa điểm khác nhau tới Óc Eo”, tiến sĩ Hsiao-chun Hung từ Đại học Quốc gia Úc, người cộng tác với ông Kiên trong dự án, cho biết. “Tất cả những gia vị này đã đến Việt Nam từ 2.000 năm trước, góp phần tạo nên những món ăn thú vị mà người thời đó chắc hẳn đã thưởng thức”.

Các hạt tinh bột từ nghệ và gừng xuất hiện nhiều nhất trong số tám loại gia vị được phát hiện tại địa điểm này. “Những hạt tinh bột này bị vỡ, cho thấy chúng có khả năng đã được nghiền, tương tự như các hạt tinh bột được tìm thấy trong bột cà ri hiện đại”, bà Hung giải thích.

Phiến đá mài này, được khai quật từ địa điểm khảo cổ Óc Eo, vẫn còn dấu vết của các gia vị cà ri 2.000 năm tuổi.

Các nhà khoa học đã khai quật các công cụ bằng đá có nguồn gốc từ Nam Á, bao gồm cối và chày, từ năm 2017 đến 2019. Từ đó, họ kết luận rằng công thức nấu món cà ri đã được giới thiệu đến Đông Nam Á bởi những người di cư hoặc du khách Nam Á trong quá trình trao đổi thương mại qua Ấn Độ Dương.

Tiến sĩ Hung cho biết địa điểm khảo cổ Óc Eo có khả năng từng là một thành phố cảng lớn của vương quốc Phù Nam cổ đại, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công nguyên.

“Trước khám phá này, chúng tôi chỉ có dẫn chứng hạn chế từ các tài liệu cổ ở Ấn Độ, Trung Quốc và La Mã về các hoạt động trao đổi gia vị sơ khai”, bà nói. “Đây là nghiên cứu đầu tiên xác nhận rằng những loại gia vị này thực sự từng là hàng hóa được giao dịch trong mạng lưới thương mại hàng hải toàn cầu cách đây gần 2.000 năm”.

Các công thức nấu ăn du nhập vào Việt Nam đã được người dân địa phương sửa đổi, bổ sung thêm các nguyên liệu quen thuộc để phát triển một truyền thống ẩm thực độc đáo. Cho dù nhiều loại gia vị được tìm thấy ở Óc Eo có khả năng được nhập khẩu vào, nhưng một số loại khác vẫn là đặc trưng của Đông Nam Á. Ví dụ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy dấu vết của dừa trên các dụng cụ, cho thấy các loại gia vị được sử dụng ở Óc Eo đã được làm đặc bằng nước cốt dừa, một kỹ thuật đặc trưng của cà ri Đông Nam Á hiện đại.

“Công thức cà ri được sử dụng ngày nay không khác nhiều so với thời Óc Eo cổ đại”, ông Kiên cho biết, “Sự nhất quán này làm nổi bật bản chất trường tồn của hương vị cà ri trong ẩm thực Việt Nam”.