Phân ưu và phân chia

TPO - Hẳn nhiều độc giả đã dự những đám hiếu cả ở trong và ngoài nước. Có những cáo phó viết rằng “Nếu quí vị dự định mua hoa đến viếng, xin dành số tiền đó gửi vào tài khoản XX của tổ chức từ thiện YY”. Đó không phải sáng kiến mới mẻ nhưng là một việc nghĩa cần nhân rộng.

>> Quan liêm

Hình minh họa

Mới rồi, Tiền Phong đưa tin về 785 triệu đồng phúng viếng thân phụ Thứ trưởng Y tế Cao Minh Quang được gia đình tặng cho người nghèo, bệnh nhân nghèo ở TPHCM và Bình Phước hôm 14/9/2009.

Gần một tỷ đồng trong một đám hiếu tương đương với thu nhập cả đời của một gia đình bậc trung ở thành phố lớn. Song bất luận thế nào, cử chỉ cao đẹp này đáng được khen ngợi và biểu dương, vì sau chuyện buồn, họ vẫn nghĩ đến chia sẻ với những thân phận nghèo khó. 

Trước khi gửi tiền đi làm từ thiện, có thể ngài Thứ trưởng đã nghĩ đến những ý kiến suy diễn trái chiều chiều về hành động dũng cảm của mình. Tại sao lại có nhiều người “phân ưu” bằng tiền trong dịp này, lý do nào mà người đến viếng thay vì đốt nén nhang và cúi mình trước linh hồn người đã khuất lại đưa xếp tiền dầy cộm. Trước thực trạng tệ nạn hối lộ, tham nhũng, chạy chọt... còn nhức nhối thì ắt hẳn những câu hỏi trên không thể gọi là bất bình thường.

Trong trường hợp này, vị lãnh đạo nọ đã thắng bản thân, lấy tiền phúng viếng để chia cho người nghèo. Hành xử đẹp như thế sẽ giúp người sau noi gương và dân thường còn tin vào người cầm cân nẩy mực.

Với trào lưu xã hội hiện nay, việc mang phong bì đến nhà quan chức trong dịp lễ, tết, hiếu, hỷ không thể tránh được. Quân không nịnh sếp thì... vô lý. Mà nịnh thì có vô vàn cách. Gọi đó là "hối lộ" là sai, vì đây là chuyện “tình cảm”.

Muốn hỏi thực hư, xin đến phỏng vấn mấy cửa hàng bán hương hoa trước cửa những nhà tang lễ lớn của thành phố. Họ biết khá rõ đám nào “thu nhập” cao.

Quà cáp vẫn tới nhà quan, chức càng to thì phong bì càng dầy, đám ma càng lớn và đám hỷ càng nhiều mâm. Nhân dịp nhà thủ trưởng có “đám”, mục đích mang phong bì đến để làm gì, chắc ai cũng biết. Một số đến để phân ưu, nhưng số khác vừa chia buồn và tranh thủ xin chia…phần chức tước, bổng lộc. Đó là cái vòng luẩn quẩn, một tệ nạn khó xóa hiện nay.

Ở phương Tây văn minh hay các nước đang phát triển khác có chuyện này không? Có chứ. Chỉ có điều, luật pháp chặt chẽ, quan chức minh bạch thì nạn phong bì sẽ hiếm hoặc mất hẳn.

Phương thuốc chữa ư. Văn minh nhất là tuyển chọn cán bộ phải thông qua thi cử minh bạch, lên lương, thăng chức không phải do thân quen với sếp mà phải dựa trên khả năng của ứng viên, được hội đồng có uy tín thông qua. Khi nào sếp phải “cầu cạnh” người hiền tài thì chuyện một đám hiếu thu hàng tỷ sẽ bớt đi. Không biết bao giờ mới đạt được sự lý tưởng đó ? Dẫu chúng ta vẫn biết  “tham nhũng và hối lộ”  là một trong những nguy cơ cho sự tồn vong của chế độ.

Vì vậy, cần một giải pháp khác thực tế hơn. Nếu các quan to, khi có người thân mất, nên đưa ra cáo phó sau đây “Nếu quí vị tới viếng, xin không gửi vòng hoa và phong bì. Nếu có hảo tâm, xin gửi tiền vào hộp từ thiện để cạnh quan tài. Toàn bộ số tiền thu được sẽ hiến tặng cho người nghèo”.

Không còn “xung đột lợi ích” nếu phong bì dầy cộp bị xé ra, lấy tiền cho vào hộp mà không danh sách người gửi. Việc đó nên để ban lễ tang làm mà không có sự tham gia của gia đình.

Có thể những đám sau đó, phong bì mỏng hơn và số lượng ít đi. Nhưng người đến viếng chắc sẽ thanh thản, người đã khuất lại giúp hồi sinh những tấm lòng cao cả, thiết thực hơn, nhân văn hơn. Phải chăng đó cũng là mong ước của người chết và cả người đang sống.

Tiền bạc do phân ưu mà có, được phân chia lại cho người khốn cùng theo cách đó, hỏi rằng ai còn nghi ngờ.

Còn những kẻ dùng phong bì làm nhịp cầu tiến thân cũng phải suy nghĩ về độ dầy của chiếc phong bì và tính hiệu quả của nó.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

Ý kiến bạn đọc

Nguyen Truong Trung, Email: BVCB @...

Cảm ơn Tiền Phong Online đã đưa tin này. Hình ảnh ông Cao Minh Quang và gia đình thật tuyệt vời. Hành động này khiến niềm tin của dân chúng được khôi phục nhanh nhất, hiệu quả nhất đối với người cán bộ, và hành động của ông Quang hẳn sẽ làm cho nhiều cán bộ khác phải suy nghĩ, noi theo.

Xuân Trường, Email: ...yb@yahoo.com : Đáng trân trọng và... dũng cảm !

Một nghĩa cử và cũng là một hành động dũng cảm. Tôi trân trọng hành động của ông Thứ trưởng và gia đình ông đã làm được một việc mà nhiều người khác không làm được vì chắc chắn gia đình cũng biết sẽ có lời ra, tiếng vào.

Việc tặng lại số tiền phúng viếng sâu xa cũng có thể hiểu là một lời từ chối rất khéo léo của gia chủ nhưng vẫn trân trọng ý tốt của bằng hữu.

Giá trị của hành động đó lớn gấp nhiều lần số tiền.

Nguyễn Công Danh, Email: Danhchin 47BTM @....

Xin đừng băn khoăn!

Đọc những suy nghĩ  băn khoăn của Trần Công Tâm, tôi cũng có đồng cảm cùng ông ở một ý : "trộm nghĩ những ông chức vụ cao hơn thì số tiền phúng viếng sẽ là bao nhiêu?".

Nguy cơ đó chưa thể một sớm, một chiều gạn hết được. Nhưng chúng ta phải có một niềm tin vào con người Việt, từ thường dân đến các trọng thần, họ có lòng nồng nàn yêu nước, có lòng độ lượng bao dung, có ý chí vươn lên, tất cả họ có một nhân sinh quan là "cái thiện sẽ diệt chết cái ác". Xin hãy đừng băn khoăn!

Một độc giả, Email: ...de06@yahoo.com.vn : Sao nhiều thế ?

Không phải đây là lần đầu tiên một người đem tiền phúng điếu làm từ thiện mà chúng ta đã nghe ở đâu đó nhiều lần rồi, ngay ở nơi tôi đang sống cũng đã có trường hợp tương tự, nhưng có điều số tiền phúng điếu không nhiều đến thế.

Theo tôi, làm từ thiện thì dù chỉ một đồng cũng quý, những người nghèo bớt những đồng tiền công lao động ít ỏi để chia sẻ với những người khốn khó thì càng quí hơn vì đó là mồ hôi nước mắt của mình đem chia sẻ cùng đồng loại.

Đào Phụ, Email: ...1959@gmail.com : Tin nhưng vẫn nghi...

Tin một gia đình làm từ thiện trên 700 triệu đồng tiền phúng điếu thật đáng khen cho tấm lòng hào hiệp của gia chủ. Nhưng tiền đâu mà phúng điếu khiếp thế trong khi những gia đình bị thiên tai, lũ lụt, thậm chí chết người nhiều lắm cũng chỉ được ủng hộ vài trăm, nhiều lắm cũng chỉ vài triệu đồng (?).

Nguyễn Văn Pha, Email: ...van@yahoo.com : Hiếm có !

Ngày hôm nay 25/9, có hai tin tốt liên quan đến đạo đức người cán bộ. Một cán bộ ở Hải Phòng báo cáo với tổ chức về việc cán bộ này nhận được phong bì trong đó có 20 triệu đồng đút lót liên quan đến đề bạt cán bộ và một thứ trưởng Bộ Y tế đem tiên phúng viếng mẹ mình đi làm từ thiện.

Tôi thấy rất hoan nghênh những cử chỉ hiếm có đó trong hàng ngũ cán bộ của ta hiện nay.

Tuy nhiên, tôi cũng xin nhắc lại trước đây một vị chủ tịch thành phố khi mới nhậm chức cũng đem cả tỷ đồng mừng tết nộp cho tổ chức, nhưng những tết sau đó không thấy vị này nộp gì nữa. Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng các tết sau cấp dưới sợ nên không dám đến biếu quà vị chủ tịch này.

Liệu trước đây các vị có nộp lại khoản nào chưa và sau này có nộp nữa không, hay từ trước đến nay mỗi vị chỉ nhận được có một lần như vậy ? 

Nguyễn Công Danh :  Ngưỡng mộ !

Đây là một hành động cần được đưa lên các hệ thống thông tin đại chúng khác, nhằm tuyên truyền rộng rãi để các "quan" khác học tập. Nếu nghĩa cử này được nhiều người làm thì công chúng rất ngưỡng mộ. Chúng tôi vô cùng cảm động trước việc làm của gia đình ông Quang!

Một bạn đọc, Email: ...6688@yahoo.com : Nghĩa cử cao đẹp !

Dù vẫn có suy nghĩ "bên lề" nhưng bản thân tôi vẫn thấy đây là một nghĩa cử cao đẹp, cần được đưa ra để cùng đọc, cùng suy ngẫm. Một xã hội tốt đẹp trong tương lai cần được xây dựng từ những "viên gạch nhỏ" như thế từ ngày hôm nay!

Trần Công Tâm, Email: ...12684@yahoo.com : Băn khoăn...

Tôi hoàn toàn hoan nghênh và thán phục hành động của gia đình ông Thứ trưởng !

Nhưng, có cái gì đó làm tôi thấy băn khoăn nghĩ ngợi lung tung,... Một ông thứ trưởng mà đám tang thân phụ lại được phân ưu số tiền ngót tỷ (Một tài sản cả đời của đa số người Dân Việt).

Vậy trộm nghĩ những ông chức vụ cao hơn thì số tiền phúng viếng sẽ là bao nhiêu ? Và thử hình dung xem bao nhiêu thường dân nước Việt có cha mẹ qua đời được diễm phúc như vậy?

Thôi! Chỉ lạy trời một điều là số tiền phân ưu kia hoàn toàn là tiền của cá nhân những người đến phân ưu(!)

>> Tiếp tục cập nhật...