Sự hình thành của đông trùng hạ thảo trong tự nhiên
Cuối Thu, loài bướm trước khi kết thúc vòng đời (4-6 tháng) phải tìm đúng loại cây là thức ăn của sâu non để đẻ trứng dưới gốc. Khi trứng nở thành ấu trùng cũng là lúc mùa Đông đến. Trên đỉnh núi cao, băng tuyết phủ dày suốt ngày đêm, sâu non chui xuống đất tránh rét, ăn rễ cỏ và lớn dần. Mùa Đông trên triền Himalaya kéo dài nửa năm (từ tháng 11 đến hết tháng 4) đồng nghĩa với việc sâu cứ việc ẩn trú dưới mặt đất ấm áp.
Và có hai tình huống xảy ra:
1. Không hình thành đông trùng hạ thảo (ĐTHT)
Hè đến, sâu non chui lên mặt đất, lột xác thành sâu trưởng thành, ăn hoa lá đến khi hóa bướm. Bướm bay lượn khắp thảo nguyên và đến cuối Thu lại đẻ trứng xuống đất, kết thúc vòng đời.
2. Có hình thành ĐTHT
Nếu tại đúng chỗ đất sâu non trú đông có bào tử của nấm túi thì trong lúc nó ăn rễ cây, các bào tử nấm túi cũng bùng nở thành các đám sợi (những mảng tơ nấm) bao quanh các rễ cỏ. Sâu đến ăn rễ cỏ, liền bị nấm “tóm sống”.
Hai bên “ăn” lẫn nhau. Sự cộng sinh/ký sinh của chúng gây ra những phản ứng sinh học, tạo nên các hoạt chất. Nấm cộng sinh thẳng vào sâu đang sống, sử dụng chất dinh dưỡng của sâu để phát triển. Cuối cùng sâu bị biến thành nấm, tuy hình hài bên ngoài vẫn là sâu. Nó cứ ở dưới đất như vậy đến hết mùa Đông.
Hè đến, cây nấm (quả thể của nấm) mọc lên trên mặt đất. Người ta lần theo các loại cây cỏ mà bướm thường đẻ trứng để tìm ĐTHT. Khi thấy cây nấm đó, họ sẽ đào hoặc nhẹ nhàng nhổ lên. Đất trên thảo nguyên Himalaya mùa Hè rất mềm và tơi xốp. Nếu không bị tìm thấy thì sau ít ngày, quả thể của nấm sẽ “chín” và bung nở, rụng những bào tử (hạt giống) mới xuống đất và vòng đời của nấm kết thúc.
Quá trình nuôi cấy đông trùng hạ thảo
1. Người ta làm chết nhộng tằm hoặc sâu bướm ở nhiệt độ rất lạnh, rồi xử lý thành giá thể để cấy bào tử nấm vào.
2. Vì nhộng tằm hoặc sâu bướm đã chết trước đó, nên không còn sự cộng sinh/ký sinh, không có sự tương tác và phản ứng sinh học tự nhiên khi hai loài “ăn” lẫn nhau, nên không thể tạo nên những hoạt chất quý báu của ĐTHT.
Đông trùng hạ thảo nuôi cấy có được như tự nhiên?
ĐTHT nuôi trồng trên hỗn hợp bột nhộng tằm hoặc nhộng tằm nguyên con, Việt Nam đã sản xuất được. Hiện mới chỉ có Trung Quốc nuôi trồng được ĐTHT trên chính loài sâu bướm trên cao nguyên Tây Tạng, nên bề ngoài loại ĐTHT này giống hệt ĐTHT mắt vàng tự nhiên.
1. Khác nhau về sự hình thành và tương tác:
Như đã phân tích ở trên, ĐTHT thật hình thành do sự xâm thực, cộng sinh của bào tử nấm vào cơ thể ấu trùng bướm đang sống. Từ đó tạo thành các hoạt chất quý báu làm nên những công dụng vượt trội. Nuôi cấy ĐTHT chính là trồng nấm trên nhộng tằm hoặc sâu bướm đã chết. Xác của con nhộng hoặc sâu bướm chỉ đóng vai trò như giá thể (đất trồng) mà thôi.
2. Khác nhau về quá trình phát triển và điều kiện môi trường:
Để có được sản phẩm ĐTHT thiên nhiên đòi hỏi một quá trình hình thành trong tự nhiên kéo dài từ Đông sang Hạ, tức là từ tám đến chín tháng trên núi cao khí hậu trong lành, không có tác động của hoá chất kích thích.
Trong khi đó quá trình nuôi cấy ĐTHT thực chất chẳng có “đông” hay “hạ” gì, ngoài nhiệt độ của máy điều hoà và các “công nghệ kỹ thuật” để nấm mọc lên đều, đẹp. Bởi vậy, hiển nhiên chất lượng của hai loại không thể hoàn toàn giống nhau. TS Dương Văn Hợp, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Vi sinh vật, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định với báo Khoa học và Đời sống: “ĐTHT nuôi cấy có dưỡng chất chỉ như nấm ăn, không thể so sánh với ĐTHT thật”.
Phân biệt đông trùng hạ thảo thật- giả
ĐTHT thật bản chất là nấm đã xâm thực cộng sinh và phát triển trong ấu trùng của loài bướm cao nguyên Himalaya. Có vị ngọt của nấm khô nhưng mùi giống mực khô. Phần nấm dẻo dai, dễ dàng tước dọc thành sợi nhỏ. Phần đầu rõ ràng, màu đỏ đậm, đỏ nhạt, đen hoặc vàng (màu sắc thay đổi tùy từng quả núi nơi ĐTHT được tìm thấy). Phần cổ có vết đen đậm hơn phần thân với ĐTHT mắt đỏ; trắng sáng màu hơn phần thân với ĐTHT mắt vàng. Phần thân rõ từng cặp chân tách biệt.
ĐTHT giả mùi vị giống thuốc Bắc nếu làm từ rễ cây. Hoặc mùi hôi, mùi lạ với loại làm từ tinh bột. Phần “nấm” rất cứng giòn, không thể tước sợi. Phần đầu không rõ ràng hoặc cố tình bọc bột để che giấu. Cổ và thân màu như nhau. Phần thân “sâu” không rõ từng cặp chân.
Phân biệt đông trùng hạ thảo mắt đỏ- mắt vàng.
Hai loại ĐTHT thiên nhiên này có một số đặc điểm khác biệt như sau:
1. ĐTHT mắt đỏ:
- Xuất xứ: Chỉ có tại Bhutan
- Kích cỡ: Nhỏ và ngắn hơn so với ĐTHT mắt vàng
- Hình dạng: Đầu to, vuông, màu đỏ đậm, đỏ nhạt hoặc đen
2. ĐTHT mắt vàng:
- Xuất xứ: Nepal, Tây Tạng (Trung Quốc)
- Kích cỡ: To, dài hơn mắt đỏ
- Hình dạng: Đầu nhỏ tam giác màu vàng, cổ sáng màu, thân sậm màu rõ rệt so với cổ.
Cả hai loại ĐTHT thiên nhiên kể trên đều rất tốt, mùi vị càng đậm càng tốt. Hiện ĐTHT mắt vàng đã có thể sản xuất trong môi trường nhân tạo từ loài sâu bướm ở Tây Tạng.
Cách sử dụng đông trùng hạ thảo thiên nhiên
Liều lượng ĐTHT nhiều hay ít tùy tình trạng sức khỏe người sử dụng. Với người lớn, mỗi ngày ăn một lần (0.5g- 1g) hoặc 2 đến 3 ngày ăn một lần (1g). Nếu không quá mệt, 5 đến 7 ngày ăn một lần để bồi bổ sức khỏe. Nếu quá mệt, không đảm bảo việc ăn uống bình thường, mỗi ngày có thể dùng ĐTHT 1 đến 3 lần, mỗi lần 1g.
ĐTHT tự nhiên, nguyên con có thể được chế biến bằng nhiều cách: hấp, hầm, canh, súp, cháo, chưng, tiềm, nấu… để ăn cả nước và cái.
1. Cách nấu đơn giản: Cho ĐTHT vào bát (gốm, sứ) đổ ngập nước sôi, đậy nắp, đặt vào nồi cơm vừa cạn nước, hấp chín cùng cơm. Hoặc hãm 30 phút với nước sôi trong bình giữ nhiệt. Dùng trực tiếp.
2. Ngâm rượu: Cứ 30g ĐTHT ngâm trong 1 lít rượu gạo, sau 21 ngày dùng được. Mỗi ngày dùng khoảng 30ml rượu và 1g ĐTHT. Có thể nhiều hoặc ít hơn tuỳ theo đáp ứng của cơ thể.
3. Tán bột: Giã tay hoặc xay khô thành bột vụn. Để trong ngăn đá tủ lạnh. Khi dùng cho vào cháo, canh, súp vừa nấu xong. Hoặc cho vào xong thì tắt bếp. Để ngấm 15-20 phút rồi sử dụng.
“Tại Nepal, Tây Tạng (Trung Quốc) ngày nay chỉ còn tìm thấy loại đông trùng hạ thảo (ĐTHT) cổ trắng, mắt vàng. Duy nhất tại Bhutan vẫn tìm thấy loại cổ đen, mắt đỏ hoặc đen. Ở Bhutan, sau khi thu hái ĐTHT trên những đỉnh núi ở độ cao 5000m, người ta phơi khô chúng tại chỗ và chải sạch. ĐTHT thiên nhiên đem khỏi biên giới Bhutan phải qua kiểm định chặt chẽ của Bộ Nông Lâm.
Ngày nay, ĐTHT thiên nhiên ở khắp vùng Himalaya trở nên vô cùng khan hiếm và đứng trước nguy cơ tận diệt. Riêng Bhutan vẫn còn ĐTHT là do chính sách bảo tồn nghiêm ngặt. Hằng năm, ĐTHT bắt đầu có lác đác từ tháng Năm- Sáu, rộ vào tháng Bảy và kết thúc đầu tháng Tám. Nhưng Bhutan chỉ cho phép khai thác trong 30 đến 40 ngày. Cảnh sát môi trường và kiểm lâm Bhutan sử dụng trực thăng để tuần tra. Trên những triền núi cao có ĐTHT thì thảm thực vật chỉ gồm những loài cỏ thấp, nấm, rêu… Nên người đi tìm ĐTHT đều được cảnh sát và kiểm lâm nhìn rõ từ trực thăng. Bởi vậy, không có sự vi phạm quy định bảo tồn để tái tạo tài nguyên”- Diem Loving Heart Nguyen (người Việt ở Bhutan)
VÀI CÔNG THỨC MÓN ĂN BỔ DƯỠNG DÙNG ĐÔNG TRÙNG HẠ THẢO (ĐTHT)
1. Ăn ĐTHT nguyên chất
- Tráng bát sứ bằng nước sôi rồi cho ĐTHT vào, đổ nước sôi ngập ĐTHT. Hấp cách thủy 10- 15 phút. Hoặc đặt bát ĐTHT vào nồi cơm điện lúc vừa cạn nước, sang chế độ ủ chín. Sau 15-20 phút là dùng được.
2. Nấu với tổ yến, táo đỏ, kỳ tử, saffron
- Ngâm yến và ĐTHT trong nước sôi 30 phút. Rồi cho vào nấu cũng các nguyên liệu trên. Để sôi liu riu nhỏ lửa trong 15 phút là xong. Nấu bằng thố cách thuỷ hay nồi chưng yến chuyên dụng đều được.
- Gần tắt bếp thì cho kỳ tử
- Tắt bếp cho saffron sau cùng
- Ăn nóng hoặc nguội đều tốt. Để tủ lạnh (ngăn mát) thì yến sẽ rất giòn ngon.
3. Nấu cháo/súp ĐTHT
- ĐTHT ngâm kỹ 1 giờ bằng nước sôi
- Cháo/súp nấu xong, cho cả ĐTHT và nước ngâm vào nấu cùng vài phút trước khi tắt bếp.
(Theo FB Diem Loving Heart Nguyen)