Phải cảnh cáo các ông lớn FDI chuyển giá

Đại biểu Quốc hội cho rằng, với các doanh nghiệp nước ngoài bị phát hiện chuyển giá phải cảnh cáo chứ không chỉ phạt tiền, bởi đối với họ, uy tín rất quan trọng.

Phải cảnh cáo các ông lớn FDI chuyển giá

Phát hiện doanh nghiệp FDI chuyển giá siêu khủng

Đại biểu Quốc hội cho rằng, với các doanh nghiệp nước ngoài bị phát hiện chuyển giá phải cảnh cáo chứ không chỉ phạt tiền, bởi đối với họ, uy tín rất quan trọng.

ĐB Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM:

122 DN FDI bị lộ mặt chuyển giá sau đợt thanh tra của Tổng cục Thuế, có những DN như Keangnam Vina chuyển giá cả ngàn tỉ đồng, liên doanh Malaysia-Đài Loan-British Virgin Island chuyển giá cả chục năm. Tổng số tiền buộc truy thu hơn 200 tỉ. Ông có bị bất ngờ với thông tin này?

 

Vấn đề chuyển giá tôi đã nêu ra từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 chứ không phải bây giờ mới nói. Vấn đề các tập đoàn nước ngoài vào đây chuyển giá không phải là mới. Lịch sử FDI ở nhiều nước trên thế giới, kể cả châu Mỹ Latinh, châu Phi cũng đã cảnh báo rất nhiều, doanh nghiệp tìm kẽ hở tối đa để tạo lợi nhuận tối đa. Rất tiếc ngay từ đầu chúng ta không tập trung cái này.

Khi tôi chất vấn Bộ Tài chính từ đầu nhiệm kỳ khóa 12 thì Chính phủ cũng đã nhìn ra cái này. Hiện tượng chuyển giá có đặc biệt ở ngành công nghiệp gia công, tức là công ty mẹ lập công ty con cung cấp nguyên liệu hoặc một số công trình 100% vốn đầu tư nước ngoài, ví dụ xây khách sạn 5 sao tất cả các vật tư nguyên liệu là họ chủ động và nâng giá thành, tăng khấu hao lên rồi chuyển giá.

Ví dụ như họ tổ chức đầu ra bằng công ty bên ngoài để người ta đưa giá ra rất thấp nhưng thực tế không phải như vậy. Rất nhiều cách như vậy.

Vừa rồi Bộ Tài chính đã có quyết tâm xử lý các tập đoàn lớn. Tôi cho rằng, phải đi tới chỗ cảnh báo, cảnh cáo chứ không chỉ phạt không. Bởi những tập đoàn như vậy họ hiểu uy tín của họ rất quan trọng. Nếu chúng ta cảnh báo một cách mạnh mẽ, công khai sẽ tác động đến những tâp đoàn lớn, dẫn đến ngăn ngừa bớt chuyện chuyển giá.

ĐBQH có định tham gia giám sát dưới hình thức chất vấn thành viên Chính phủ hoặc tổ chức những cuộc giám sát chuyên đề về vấn đề này không?

Thật sự Chính phủ cũng đã cố gắng làm. Vấn đề kiểm soát chuyển giá là rất khó. Luật quản lý thuế có rồi, chủ yếu là cơ quan thuế phải tính đến chuyện này. Tôi nghĩ rằng nếu như khuyến nghị thêm thì QH có thể khuyến nghị bây giờ Chính phủ tăng thêm nguồn lực xây dựng hệ thống thông tin mạnh lưới bên ngoài và đầu tư thêm nguồn lực, kể cả ngân sách, kể cả con người để chúng ta phát hiện từ xa chống cái này.

ĐB Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Danh sách 122 doanh nghiệp FDI chuyển giá này không gây ngạc nhiên vì chúng ta đã biết từ lâu, thậm chí đã có giải pháp, nhưng chưa đủ tầm, chưa đủ sức giải quyết nên bây giờ vẫn còn tồn tại và có thể còn phát sinh.

Một lý do nữa là những yếu tố và điều kiện để kiểm soát ở trong nước còn khiếm khuyết, ta có thể vươn lên khắc phục, nhưng có những yếu tố ngoài nước mà ta rất khó kiểm soát.

ĐB Cao Sĩ Kiêm (phải): Có nguyên nhân chủ quan do quản lý lỏng lẻo, thông đồng hoặc nhận thức yếu kém.
 

Nguyên nhân khách quan là có, do giá cả, chính sách, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là do quản lý lỏng lẻo, thông đồng hoặc do nhận thức yếu kém, không phát hiện và đề ra được giải pháp, cần xem xét cụ thể từng nguyên nhân.

Để xử lý, các cơ quan chức năng, quản lý và các địa phương phải ngồi với nhau để kiểm điểm, đánh giá, bàn bạc tất cả các yếu tố khách quan, chủ quan, trong, ngoài nước, khả thi, bất khả thi để tính toán cặn kẽ. Trên cơ sở đó có cơ chế, chính sách điều hành sát, cụ thể, hiệu quả hơn, cũng như các biện pháp phối hợp ngăn chặn những việc có thể xảy ra.

Theo T.Lý - T.Lâm - T.Chung - X.Quý - L.A.Dũng
Vietnamnet

Theo Đăng lại