> Dự án “xử lý ao tôm” của sinh viên Việt thi quốc tế
> Mang rau hữu cơ đến gần hơn với cộng đồng
Ông Huỳnh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vang (Bình Đại, Bến Tre), cho biết, toàn xã đã có khoảng 200 hộ dân đưa nước mặn vào nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích khoảng 45 ha. Nguyên nhân là tôm thẻ chân trắng đang có giá cao, loại 40 con/kg bán tại ao 140.000 - 160.000 đồng/kg, còn làm lúa khó bán, không có lời. Chỉ cần nước có độ mặn 5‰ là có thể thả nuôi tôm thẻ chân trắng, một vụ tôm chỉ khoảng 70 ngày, ngắn hơn một vụ lúa.
Phó Chủ tịch UBND xã Thới Lai (Bình Đại, Bến Tre) Nguyễn Tấn Đạt cho biết, việc xử lý các ao tôm mở ra trên ruộng lúa rất khó khăn. “Trước mắt, chúng tôi để cho người dân thu hoạch vụ tôm đang nuôi, sau đó sẽ mạnh tay lấp giếng nước mặn, còn ao sẽ vận động người dân chuyển từ nuôi tôm thẻ chân trắng sang nuôi tôm càng xanh hoặc một số loại cá nước ngọt’, ông Đạt nói.
Ở huyện Bình Đại, mấy năm trước, chỉ các xã Định Trung, Phú Long nuôi tôm nhưng nay ao nuôi tôm lan khắp các xã Phú Vang, Thới Lai, Châu Hưng, Phú Thuận, thậm chí tại vùng tiếp giáp sông Ba Lai, nơi có các công trình ngọt hoá dân đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để nuôi tôm. Hàng trăm giếng nước mặn được khoan và được “ngụy trang” rất kỹ do người dân cũng biết việc làm này không đúng với quy hoạch.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Đại, ông Lê Văn La cho biết, toàn huyện đã có gần 600 ha mặt nước nuôi tôm mở ra trong vùng ngọt hóa. Để có nước mặn, nông dân khoan gần 900 giếng. “Những con số mới thống kê sơ bộ, thực tế có thể cao hơn”, ông La nhấn mạnh.
Ở tỉnh Cà Mau, từ giữa tháng 7 đến nay, hàng nghìn nông dân ở huyện Thới Bình, U Minh cũng đã dẫn nước mặn vào phá gần 1.000 ha lúa để nuôi tôm. Chủ tịch UBND huyện Thới Bình (Cà Mau) Huỳnh Quốc Hoàng cho biết, nông dân đã đưa nước mặn vào nuôi tôm gần 500 ha đất 2 vụ lúa. Trong đó, có nhiều cánh đồng đã quy hoạch cánh đồng mẫu lớn. Xã Tân Phú có gần 270 ha nuôi tôm, kế tiếp là xã Tân Lộc 143 ha, xã Tân Lộc Bắc 80 ha. Chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền vận động người dân giữ đất lúa, phạt hành chính việc phá vỡ quy hoạch nhưng không có kết quả.
Một số xã của huyện U Minh phải tổ chức tuần tra ban đêm vẫn không ngăn được việc dẫn nước mặn vào ruộng lúa để nuôi tôm. Nguyên nhân chính là giá lúa thấp, nhiều người làm lúa bị lỗ. Chính quyền địa phương vận động người dân không phá lúa nuôi tôm, tuy nhiên lúng túng trong định hướng hiệu quả kinh tế nên nhiều người dân không đưa được nước mặn vào ban ngày đã lén lút đưa ban đêm.
Một số cán bộ địa phương giải thích nguyên nhân còn là hệ thống thủy lợi ở vùng giáp ranh mặn-ngọt được dùng chung cho cả cây lúa và con tôm, khi trồng lúa không còn hiệu quả, nông dân tìm đến con tôm. Hiện chính sách hỗ trợ nông dân giữ đất lúa với mức 500.000 đồng/ha cho đất hai vụ lúa và 100.000 đồng/ha cho đất lúa - tôm, chưa hấp dẫn việc giữ đất lúa.