Ông Trầm Bê và gia đình được trả lại hai miếng đất

TPO - HĐXX tuyên giải tỏa kê biên đối với quyền sử dụng đất ở số 591 (số cũ 26) An Dương Vương (quận Bình Tân) và giải tỏa kê biên đối với quyền sử dụng đất ở số 601 Hồng Bàng (quận 6) giao lại cho bị cáo Trầm Bê và vợ con xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Trong các phiên tòa xét xử hồi tháng 1/2018 cũng như hiện tại, bị cáo Trầm Bê luôn mong mỏi được HĐXX giải tỏa kê biên hai tài sản là quyền sử dụng đất đã bị kê biên trong quá trình điều tra. Đến ngày 6/8, HĐXX tuyên án đã tuyên giải tỏa kê biên số tài sản này.

Đối với tài sản liên quan đến bị cáo Trầm Bê, HĐXX tuyên giải tỏa kê biên đối với quyền sử dụng đất ở số 591 (số cũ 26) An Dương Vương (quận Bình Tân) và giải tỏa kê biên đối với quyền sử dụng đất ở số 601 Hồng Bàng (quận 6) giao lại cho bị cáo Trầm Bê và vợ con xử lý theo đúng quy định pháp luật.

 
Bị cáo Trầm Bê (hàng đầu, bìa phải). Ảnh Văn Minh

Trong vụ án này, bị cáo Trầm Bê cùng Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) đã trực tiếp gặp, bàn bạc và thống nhất cho bị cáo Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng.

Cả hai đã yêu cầu bị cáo Danh dùng tiền của VNCB để bảo lãnh cho các khoản vay. HĐXX nhận định, khi cho bị cáo Danh vay, cả hai biết rõ bị cáo Danh không được phép dùng tiền của VNCB để bảo lãnh vay nhưng vì lợi ích, hai bị cáo đã cố ý bỏ qua các quy định để cho bị cáo Danh vay. Hành vi này đã cố ý làm trái, tạo điều kiện để bị cáo Danh gây thiệt hại cho VNCB.

Liên quan đến vụ án, ngày 6/8, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Trầm Bê (nguyên Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) mức án 4 năm tù.

Phạm Công Danh nhận lại 2.100 tỷ đồng

Trong vụ án này, HĐXX nhận định, bị cáo Phạm Công Danh biết rõ không thể vay tiền của VNCB, vì muốn có tiền sử dụng nên bị cáo Danh đã dùng tiền của VNCB gửi ở các ngân hàng bảo lãnh vay tiền. Sau đó, do các công ty của bị cáo Danh không có khả năng trả nợ nên 3 ngân hàng đã thu hồi nợ số tiền của VNCB bảo lãnh.

HĐXX đánh giá, việc 3 ngân hàng thu hồi nợ là phù hợp với quy định, do vậy số tiền mà 29 công ty của bị cáo Danh vay mới chính là số tiền vật chứng vụ án. Vật chứng vụ án không phải là số tiền thu hồi nợ từ VNCB của 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV như đại diện VKSND THCM giữ quyền công tố tại tòa đề nghị.

Ngoài ra, theo HĐXX điều này phù hợp với giám định của Ngân hàng Nhà nước khi cho rằng 3 ngân hàng trên không bị thiệt hại.

Bị cáo Phạm Công Danh. Ảnh Văn Minh

Do đó, HĐXX đã tuyên thu hồi hàng nghìn tỷ đồng là tang vật vụ án từ nhiều nguồn khác nhau chứ không thu hồi trên 6.100 tỷ đồng từ 3 ngân hàng trên.

Ngoài ra, đối với khoản tiền 4.500 tỷ đồng bị cáo Phạm Công Danh dùng để tăng vốn điều lệ VNCB nhưng không được Ngân hàng Nhà nước đồng ý, HĐXX xét thấy buộc CBBank trả lại 4.500 tỷ đồng cho bị cáo này.

Tuy nhiên, do HĐXX đã tuyên thu hồi hơn 2.371 tỷ đồng được xem là vật chứng vụ án nên CBBank chỉ cần trả lại 2.100 tỷ đồng cho bị cáo Phạm Công Danh.

“Để đảm bảo thi hành án nghĩa vụ dân sự của bị cáo Phạm Công Danh trong cả hai giai đoạn 1,2 của vụ án và các nghĩa vụ dân sự khác nếu có, nên cần giữ lại số tiền hơn 2.100 tỷ đồng”, HĐXX nhận định.