Khẩu hiệu của Olympic Paris 2024 là “Cuộc chơi rộng mở”. Theo nghĩa đen, Thế vận hội lần thứ 33 đưa Lễ khai mạc và nhiều cuộc thi thể thao ra bên ngoài sân vận động, tới gần hơn với công chúng. Còn nghĩa bóng, nó được hứa hẹn mang tới cảm xúc, trải nghiệm mới, qua đó tạo nên sức mạnh mới để mơ những giấc mơ mới.
Cách đây tròn 100 năm (1924), khi Olympic được tổ chức tại Paris, khẩu hiệu của Thế vận hội lần thứ 8 đơn giản hơn nhiều. “Nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn” là tất cả những gì Ban tổ chức mong muốn. Họ hy vọng Thế vận hội không chỉ là cuộc chơi đơn thuần, mà trở thành nơi các CĐV hướng tới đỉnh cao.
Vào thời gian đó, Olympic đang đứng trước thách thức vô cùng lớn, thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi liệu nó còn nên tồn tại. Ban đầu, theo tôn chỉ của Nam tước De Coubertin, người sáng lập và là Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), Thế vận hội chỉ dành cho nam giới nghiệp dư thuộc giới quý tộc, sinh viên và quân đội. Điều này dẫn đến sự ra đời của hàng loạt phong trào mới, nơi phái nữ, giai cấp công nhân được phép tham gia. Những cuộc thi của các môn thể thao riêng biệt xuất hiện, ví dụ như World Cup (bóng đá).
Sau 100 năm, từ Olympic 1924 đến 2024 đã có sự phát triển vượt bậc. Số đoàn thể thao tham dự từ 44 lên 206, trong đó 3.089 VĐV tăng thành 10.714; 17 môn thể thao, 126 nội dung tăng lên 32 và 329. Chi phí của Chính phủ Pháp, nếu như năm 1924 là 20 triệu franc thì năm 2024 là 9 tỷ euro.
Được sự hậu thuẫn từ Chính phủ Pháp, với ngân sách lên đến 20 triệu franc cùng một sân vận động mới (Colombes, hay còn gọi là Yves du Manoir), Olympic 1924 cố gắng tạo nên sức sống mới cho Thế vận hội, đồng thời tái khẳng định giá trị của một cuộc thi tầm cỡ.
Và giải đấu đã thành công ngoài mong đợi. Thậm chí một nghiên cứu khoa học nghiêm túc của Đại học Florida vào năm 2021 nhấn mạnh rằng Olympic 1924 “có vị trí đặc biệt trong lịch sử” bởi đã “cứu rỗi, định hình và thúc đẩy Olympic thành sự kiện thể thao tầm cỡ và được mong chờ nhất hành tinh”.
Tại Thế vận hội năm đó, lần đầu diễn ra lễ bế mạc với nghi thức sau này trở thành truyền thống: kéo cờ IOC trao cho nước đăng cai tiếp theo. Tiếp đến, thành công trong việc thu hút số lượng lớn quốc gia tham dự (44), cũng như sự tham gia của truyền thông, bao gồm sự kiện đầu tiên được phát sóng qua đài phát thanh. Olympic tiến một bước dài khi bán bản quyền hình ảnh và tài trợ, bên cạnh việc xây dựng làng VĐV, điều chưa từng có trong quá khứ.
Nhưng đây mới là chi tiết quan trọng nhất: giới nữ không những thi đấu, mà còn gây ấn tượng mạnh về mặt thành tích, qua đó làm thay đổi nhận thức về phụ nữ trong thể thao. Việc DeHart Hubbard, VĐV người Mỹ gốc Phi đầu tiên giành HCV (nội dung nhảy xa) đã mở đường cho các VĐV da màu khác đến với Thế vận hội. Nhiều kỷ lục được thiết lập từ những người xuất thân khiêm tốn đã phá vỡ quy tắc Olympic chỉ dành cho giới quý tộc.
Mặc dù người Pháp không mấy vui vẻ khi Olympic 1924 khép lại, bởi lỗ nặng, nhưng thế giới biết ơn họ với những gì đã làm. Dù một thế kỷ đã trôi qua, di sản của đại hội năm đó vẫn còn nguyên giá trị. Ý tưởng của các nhà tổ chức Olympic 2024, tạo nên kỳ Thế vận hội mở với nhiều nội dung diễn ra ở khu vực công cộng hoặc vùng ngoại ô Paris chính là sự học hỏi từ Olympic 1924. Bởi nhiều thách thức đang đối mặt, họ hy vọng lần thứ 33 này sẽ trở thành bước ngoặt vĩ đại của Thế vận hội, tương tự 100 năm trước, và tạo nên di sản cho 100 năm sau.
Trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội ngày nay, công chúng dần thờ ơ với các sự kiện thể thao. Tỷ lệ lấp đầy sân vận động (Olympic 2024 còn tồn gần 1 triệu vé) và xem qua truyền hình ngày càng giảm, trong khi những rắc rối chính trị cùng nhiều scandal doping khiến niềm tin xuống thấp. Liệu “Cuộc chơi rộng mở” tại Paris 2024 có thể giải quyết vấn đề, mở ra kỷ nguyên mới cho Thế vận hội, chúng ta hãy cùng chờ xem.