Nước Mỹ trước thềm bầu cử giữa kỳ: Căng thẳng bởi 'bom thư'

TP - Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ chính thức diễn ra, nước Mỹ đang rúng động bởi một loạt “bom thư” gửi tới các nghị sỹ Đảng Dân chủ, những người có nhiều khả năng chiến thắng. Tính đến ngày 25/10, có ít nhất 8 bưu kiện có chứa bom đã được gửi đi tại nhiều địa chỉ trên nước Mỹ.
Nhà của cựu tổng thống Bill Clinton tại New York đang được khám xét sau vụ bom thư khủng bố. Ảnh: Reuters

8 bưu kiện khả nghi này đã được gửi đi tại New York, Washington và Florida bao gồm nhà riêng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder và Maxine Waters, một nghị sĩ đảng Dân chủ tại bang California. Trong đó, ba gói bưu kiện chứa bom cũng được gửi tới Nghị sỹ Walters của đảng Cộng hòa. Phòng tin tức của kênh CNN cũng nhận được bom thư khiến mọi người phải đi sơ tán khẩn cấp.

Sáng 25/10, thêm một bưu kiện nghi chứa bom lại được phát hiện tại New York. Theo CNN, gói bưu kiện khả nghi mới nhất được đề địa chỉ gửi tới nam diễn viên Robert De Niro. Gói bưu kiện này có chứa các thiết bị nổ tương tự như đã được gửi đến một số quan chức hàng đầu của đảng Dân chủ trong ngày 24/10. Đội rà phá bom tại thành phố New York đã vô hiệu hóa thành công bưu kiện khả nghi này.

Bưu kiện chứa chất nổ được phát hiện ngày 25/10                                    Ảnh: CNN

Ngày 25/10, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết, các nhóm đặc nhiệm chống khủng bố do FBI dẫn đầu sẽ tiếp tục làm việc để xác định danh tính và bắt giữ mọi đối tượng liên quan tới việc gửi hàng loạt bưu kiện khả nghi nói trên.

Theo Reuters, 8 trong số bưu phẩm này mặc dù đã được sớm phát hiện và không làm ai bị thương, nhưng một số nghị sỹ  hàng đầu của Đảng Dân chủ  gọi đây là sự khủng bố mang động cơ chính trị và chĩa mũi dùi về phía đương kim Tổng thống Donald Trump, dù ông Trump cũng mạnh mẽ lên án hành động này.

Chính giới Mỹ kêu gọi đoàn kết nội bộ

Theo kế hoạch, cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 6/11. Cử tri Mỹ sẽ đi bỏ phiếu bầu ra toàn bộ 435 ghế Hạ viện, 35/100 ghế Thượng viện, 36 thống đốc bang cùng khoảng 6.000 ghế trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên khắp nước Mỹ.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, các nghị sĩ đảng Dân chủ có cơ hội giành thế đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, đảng này sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc đua vào Thượng viện.

Trong bối cảnh nước Mỹ đang hoang mang vì hàng loạt bom thư khủng bố này, chính giới Mỹ đã lên tiếng kêu gọi đoàn kết nội bộ và lên án các hành động bạo lực chính trị trước thềm bầu cử giữa kỳ Mỹ. 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, nước Mỹ đang trong thời kỳ hỗn loạn, do đó người dân, chính giới cần đoàn kết, gạt bỏ mọi chia rẽ. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Thượng viện cho rằng, mục tiêu tấn công nhằm vào các nghị sĩ đảng Dân chủ có thể coi là các hành động khủng bố.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng mạnh mẽ lên án hành động bạo lực này. Ông nói: “Những hành vi hèn nhát này thật đáng khinh bỉ và không có chỗ trong xã hội Mỹ”.

Bom thư được phát hiện thế nào?

Giới chức Mỹ cho biết, các quả bom được gửi là bom ống, được chế tạo từ một ống kim loại chứa thuốc nổ và mảnh nhọn. Đây là thiết bị nổ thường được sử dụng nhưng cũng dễ bị phát hiện bằng máy quét X-quang hiện đại thế hệ mới. Quả bom đầu tiên được phát hiện trong hòm thư tại nhà tỷ phú George Soros, người ủng hộ đảng Dân chủ, ngoại ô New York ngày 22/10.

Một ngày sau, mật vụ Mỹ đã tịch thu bưu kiện được đề địa chỉ gửi là nhà Bill và Hillary Clinton ở Chappaqua, Westchester, ngoại ô New York. Ngày 24/10, họ tiếp tục tịch thu bưu kiện khả nghi gửi đến nhà Obama ở Washington. Đặc vụ FBI Bryan Paarmann cho biết, có thể một cá nhân hoặc nhiều người đã gửi các bưu kiện này.