Với quyết định lịch sử này, Đỗ Thị Hằng Nga trở thành nữ quân nhân đầu tiên mang quốc tịch Việt Nam tham gia sứ mệnh GGHB của Liên hợp quốc bên ngoài lãnh thổ đất nước.
Nhập ngũ từ năm 2004, cô gái Hà Nội Đỗ Thị Hằng Nga (SN 1981) chính thức chuyển ngạch sĩ quan vào năm 2012. Hằng Nga chia sẻ trước đây bản thân chị chưa từng tham gia công tác đối ngoại quốc phòng. Tại Trung tâm GGHB Việt Nam, công việc chủ yếu của Hằng Nga đều liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, với nhiệm vụ được giao là phụ trách website và mạng Lan của trung tâm. Quá trình công tác, chỉ huy đơn vị nhận thấy ở Nga có nhiều tố chất của một người làm đối ngoại nên đã tạo điều kiện để chị tham gia các khóa đào tạo về ngoại ngữ và chuyên môn GGHB.
Với khả năng học hỏi, nắm bắt nhanh cùng sự nỗ lực bền bỉ, trong vòng một năm, Hằng Nga đã trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần có của một “sứ giả mũ nồi xanh made in Việt Nam” theo những quy chuẩn ngặt nghèo nhất. Nga tâm sự: Vốn kiến thức tiếng Anh dần mai một bởi chuyên ngành công việc ít liên quan tới ngoại ngữ, thế nên ở ngưỡng tuổi phải bận rộn chăm lo gia đình, con cái thì việc học lại tiếng Anh cũng là một thử thách lớn. Được chỉ huy và các đồng đội ở trung tâm (nhất là những sĩ quan đã từng thực hiện nhiệm vụ ở các phái bộ GGHB Liên hợp quốc thời gian qua) động viên, chia sẻ những kinh nghiệm quý giá nên Hằng Nga đã hoàn thành tốt các bài test ngoại ngữ, lái xe hai cầu… mà các chuyên gia Liên hợp quốc đặt ra.
Sứ giả hòa bình
Được sinh ra, lớn lên tại Hà Nội trong điều kiện cuộc sống thuận lợi, chưa từng phải chịu cảnh thiếu thốn, nhưng thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đã xung phong đi làm nhiệm vụ tại một trong những quốc gia nghèo khó nhất trên thế giới.
Với nhiệm kỳ một năm thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ GGHB Liên hợp quốc ở Nam Sudan, trong vai trò sĩ quan tham mưu giám sát các hoạt động quân sự, công việc của Hằng Nga là tổng hợp và cập nhật bản đồ tình hình tác chiến tại các phân khu được chỉ định; trực ban tại Trung tâm tác chiến, Sở chỉ huy Phái bộ; chuẩn bị các báo cáo đặc biệt và gửi điện tín về các sự cố xảy ra trên địa bàn; liên lạc với các cơ quan liên quan để đưa ra các thông báo về tai nạn, thương vong; theo dõi các tài liệu trong hệ thống dữ liệu tác chiến của phái bộ.... Bên cạnh đó là đảm nhiệm thêm một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu của phái bộ, không kể thời gian ngày hay đêm. Tính ra, Hằng Nga sẽ phải đảm trách trung bình 12-15 đầu việc tại phái bộ Nam Sudan. Theo chị, đây là vinh dự rất lớn nhưng cũng là nhiệm vụ nặng nề đối với ngay cả những quân nhân là nam giới.
Trong vai trò sứ giả hòa bình của Việt Nam thực hiện nhiệm vụ GGHB Liên hợp quốc, thiếu tá Hằng Nga sẽ giới thiệu với bạn bè các nước và người dân Nam Sudan những biểu tượng đã in sâu vào tâm trí mỗi người dân Việt và nhiều nơi trên thế giới như hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tà áo dài Việt Nam, cùng những món quà đặc trưng như ô mai, những chiếc áo in cờ Tổ quốc, những con chuồn chuồn tre…