Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 56-2015:

Nữ hoàng chân đất và nỗi lo nghiệp HLV

TP - Nếu chỉ nhìn vẻ ngoài, ít ai nghĩ cô gái có vóc dáng nhỏ bé, vẻ ngoài rụt rè như nữ hoàng chân đất Phạm Thị Bình lại có ý chí và nghị lực bền bỉ để có thể theo đuổi nghiệp điền kinh cự li dài, nội dung vắt sức nhất.
Phạm Thị Bình về đích ở đường chạy marathon báo Tiền Phong năm 2014. Ảnh: Hồng Vĩnh

Chân trần, ý chí mạnh

Nổi tiếng trên đường chạy ở đấu trường khu vực với những bước chân trần nhiều khi rướm máu, Phạm Thị Bình cũng chiếm luôn vị trí độc tôn ở cự li marathon của Việt dã toàn quốc.

Giải đấu đầu tiên đánh dấu mốc cô gái này “bập” vào điền kinh là Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Quảng Ngãi năm 2003. Bình khi ấy 14 tuổi (SN 1989) thi đấu cho đội điền kinh Bình Sơn, và đoạt HCĐ. Cũng từ đây, Phạm Thị Bình bắt đầu những ngày tháng gắn bó với điền kinh như cái nghiệp định sẵn cho mình.

Năm 2004, dù chỉ được tập huấn trong khoảng 6 tháng, cô tiếp tục gây ấn tượng với các HLV khi đoạt HCV cự li 10km tại giải điền kinh trẻ toàn quốc. Quá trình tập luyện và thi đấu sau đấy, Phạm Thị Bình dần chứng tỏ khả năng thích ứng rất tốt đối với cự li dài của môn điền kinh. Nếu tiếp xúc lần đầu, ít ai nghĩ cô gái có vóc dáng nhỏ bé, rụt rè ấy lại có ý chí và nghị lực bền bỉ đến vậy để theo đuổi cự li này.

Ấy thế mà Bình làm được. Chiến thắng liên tiếp ở các giải trong nước, Phạm Thị Bình dần khẳng định tên tuổi ở đấu trường khu vực. Ở đấu trường SEA Games, cô được mọi người yêu mến với biệt danh “nữ hoàng chân đất”, khi luôn thi đấu với đôi chân trần. Lãnh đạo bộ môn điền kinh từng nhắc chuyện này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển chuyên môn của cô, nhưng rồi cũng đành “tặc lưỡi” để Bình tiếp tục chân trần trên đường chạy.

“Em đi chân đất là vì gan bàn chân mỏng, nếu đi giày sẽ bị bỏng nước ngay. Ngoài ra, nếu đi giày thì em sẽ không đi lên được dốc”-lý do đi chân đất được Bình nói là như thế.

SEA Games 27, cũng với đôi chân trần, Phạm Thị Bình đã gây ấn tượng mạnh khi đoạt HCV cự li marathon. Nổi tiếng ở đấu trường khu vực, Bình cũng chiếm luôn vị trí độc tôn ở cự li bán marathon rồi marathon của Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong khi giải được nâng cấp. Nhiều năm trở lại đây, Phạm Thị Bình thống trị cự li này.

Cuộc đua dù vậy không hề giảm bớt sức nóng bỏng, bởi nhiều VĐV trẻ vẫn luôn muốn lấy “đàn chị” làm đích ngắm để vươn lên. Vô địch nhiều kỳ Việt dã, nhưng khi chia sẻ, Bình cho biết lại rất nhớ lần đầu dự giải. Đấy là Việt dã năm 2006, cô đoạt luôn HCB khi 16 tuổi.

Lấy chồng, không bỏ “cuộc chơi”

Tháng 7/2014, Phạm Thị Bình đính hôn. Trên trang cá nhân, cô hạnh phúc khoe tin vui với bạn bè. Là VĐV nổi tiếng, mỗi khi có thời gian Bình lại nhiệt tình tham gia các hoạt động từ thiện của địa phương. Chồng tương lai của Bình là Chủ nhiệm CLB Nhiệt huyết trẻ tỉnh Quảng Ngãi mà Bình là thành viên. Cả hai quen rồi yêu nhau qua các hoạt động của CLB. Đính hôn thôi, chứ cưới thì Bình cho biết sẽ đợi tới sau SEA Games 28 để “cả hai có thời gian thư thả”.

Kết thúc Đại hội TDTT toàn quốc lần VII-2014, Phạm Thị Bình từ giã sự nghiệp thi đấu vì lý do sức khỏe, rồi chuyển sang nghiệp HLV.

Việt dã toàn quốc và marathon báo Tiền Phong lần thứ 56 diễn ra tại Vĩnh Phúc, lần đầu tiên Bình tham dự nhưng với tư cách HLV của đội điền kinh Quảng Ngãi. Lên Vĩnh Yên hôm 19/3 thì ngay sáng qua, thầy trò Bình kéo nhau đi tập từ tinh mơ. “Làm HLV thấy nhiều cái khác lắm anh. Trước mình chỉ áp lực thi đấu sao cho tốt, nhưng giờ phải quan tâm tới cả chục VĐV, mới biết trước các thầy cô lo cho mình như thế nào”-Bình chia sẻ.

Giải Việt dã những năm trở lại đây thiếu hẳn những gương mặt lâu năm, gắn bó với giải. Phần do sự khốc liệt của giải đấu, phần thì theo đánh giá, VĐV không đủ đam mê như thời còn nhiều khó khăn ngày trước. Không phủ nhận ý kiến nhận xét trên, nhưng Bình cho biết, bản thân không hề thiếu đam mê. “Em cũng gắn bó 11 năm với điền kinh rồi, cũng nhiều năm tham gia Việt dã. Giờ cũng có bỏ được điền kinh đâu”-cô nói. Với hơn chục VĐV dự giải, đội điền kinh của Bình năm nay đang cố gắng để đua cho “bằng chị, bằng em”.