Nữ chiến sĩ quân hàm xanh dệt mùa xuân biên cương

TPO - “Đường biên cương dệt mùa Xuân” không chỉ phản ánh những vấn đề thuộc về cương vực lãnh thổ mà còn là bức tranh toàn cảnh về đời sống của cả miền biên cương đầy sắc màu đa dạng.

"Đãi quặng thành vàng" qua trang văn

Sau một loạt những tập thơ, bút ký, truyện ngắn, bút ký, trường ca chứa đựng tình yêu quê hương, đất nước, vẻ đẹp con người Việt Nam, tập bút ký “Đường biên cương dệt mùa Xuân” của đại úy quân nhân chuyên nghiệp, nhà thơ Phạm Thị Vân Anh (Trợ lý tuyên huấn, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng) là những câu chuyện thấm đẫm chất thơ, chất nhạc về mọi nẻo biên cương Tổ quốc.

Đã có hơn mười năm công tác trong lực lượng biên phòng, cùng với tình yêu nghề, yêu trang văn, bước chân của chị hầu như đã đặt tới tất cả những miền biên giới, từ nơi địa đầu Móng Cái đến nơi cuối đất Hà Tiên, nơi nào có đồn biên phòng là có dấu chân của chị. Cho nên những gì chị viết là mắt thấy, tai nghe, có hơi thở nồng nàn của cuộc sống.

Cảm nhận về tập bút ký gồm 26 tác phẩm chứa đựng tâm huyết của nữ chiến sĩ biên phòng Phạm Thị Vân Anh, nhà văn Lê Hoài Nam chiêm nghiệm: Bảo vệ chủ quyền dân tộc cũng chính là sự sống còn của nòi giống, là vấn đề lớn mà triều đại nào, thời đại nào cũng được đặt lên hàng đầu. Nhưng bảo về chủ quyền biên giới không có nghĩa là lúc nào hai bên cũng đối đầu, đối kháng, điều tác giả muốn nói ở đây là phải cùng xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc sống có chung một đường biên với chúng ta, sao cho biên cương mãi mãi là nơi bình yên chim hót, mãi mãi mang thông điệp hòa bình.
 Chia sẻ với PV Tiền Phong, đại uý Phạm Thị Vân Anh tâm sự: Tôi luôn tâm niệm "Đất Việt rộng dài, người Việt trung hậu sẽ luôn là mỏ quặng quý để tôi đãi thành vàng qua trang văn của mình". Là một người cầm bút khoác áo lính, bằng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền đối ngoại thông qua các chương trình giao lưu biên giới với nhân dân và lực lượng bảo vệ biên giới 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông cũng như cuốn bút ký này, tôi hi vọng mình có thể góp phần viết thêm một bài ca thắm tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước trong khu vực.

Bức tranh toàn cảnh miền biên cương

Theo nữ nhà văn Hoài Hương, “Đường biên cương dệt mùa Xuân” là một bút ký về biên cương có tính tổng hợp cao cả chiều dài biên giới Việt Nam. Không chỉ phản ảnh những vần đề thuộc về cương vực lãnh thổ mang tính luật pháp quốc tế mà còn là bức tranh toàn cảnh về đời sống của cả miền biên cương đầy sắc màu đa dạng phong phú.

Những bài bút ký mang dấu ấn văn hóa độc đáo dù chỉ như một phác thảo, nhưng khá chi tiết, đủ cho người đọc cảm nhận không khí cũng như sự đặc sắc về phong tục của các dân tộc: Lang thang miền dã sử, Từ miền đất hình cánh sóng, Người Lô Lô trên biên cương cực Bắc, Nhịp xoang dưới chân Chư Mom ray, Vũ điệu trên than hồng, Hành trình La Hủ, Thương lắm Sila…

Đồng thời, “Đường biên cương dệt mùa Xuân” còn là một tổng hòa những bản tình ca về tình hữu nghị giữa các dân tộc anh em, giữa các quốc gia có chung đường biên, đặc biệt là có chung một dòng Mekong huyền thoại: Việt Nam - Lào - Campuchia - Mianmar - Thái Lan - Trung Quốc.
“Đường biên cương dệt mùa Xuân” còn là những bút ký về những con người ở miền biên cương, không chỉ là một lòng “trung với nước, hiếu với dân”, mà còn là những con người gắn bó máu thịt với biên cương Tổ quốc. Ngoài nhiệm vụ bào vệ giữ gìn an ninh chủ quyền lãnh thổ, vùng biên, họ còn là những “hạt giống tâm hồn”, là linh hồn của nhân dân vùng biên.

 Đại uý Phạm Thị Vân Anh nhận giải trong Cuộc vận động sáng tác văn học kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ  cho tập trường ca Sa Mộc

Từ “Chuyện về Ông Lớn vùng biên” Tà Nghĩa - lão nông Bùi Văn Nghĩa, giúp dân cả hai bên biên giới trồng lúa, tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho dân hai xã Ruông (Campuchia) - Tân Hà (Tây Ninh - Việt Nam). Đến “Cảm ơn thầy thuốc Bộ đội Biên phòng Việt Nam” của người dân bản Thoong Pẹ, Cămcot, Bolikhamsay, Lào. Họ là những bác sĩ quân y biên phòng Việt Nam, những thầy thuốc cắm chốt ngoại biên làm nghĩa vụ quốc tế, giỏi tiếng Mông, Chứt, Thái đen, Thái đỏ của nước bạn Lào.

Những câu chuyện cảm động về Đồn trưởng Đồn biên phòng Mường Khương (Lào Cai) - Thượng tá Trần Quốc Khải với 20 năm hơn gắn bó vùng đất biên cương trở thành “Người của Mường Khương”, hay Thiếu tướng Lê Như Đức được mệnh danh “Người về thắp lửa vùng biên”, Trung tướng Tư lệnh BĐBP Hoàng Xuân Chiến “Tài đức trong giảng đường, đảm lược ngoài biên cương”…

Nữ nhà văn Hoài Hương nhận định: “Một tập bút ký giàu chất thơ, và điểm thu hút nhất của tập bút ký này chính là những trang viết nhiều nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, tập quán của các dân tộc suốt chiều dài biên giới, cùng tình hữu nghị găn bó bền chặt của người dân với các quốc gia có chung đường biên, chung dòng Mekong”.

Phạm Vân Anh sinh năm 1980. Chị là một trong những hội viên trẻ nhất của Hội Nhà văn Việt Nam. Chị đến với văn chương bắt đầu là các tập thơ “Tôi chào tôi” (2004), “Mùa tình” (2006), “Góc” (2009), “Sa Mộc” (trường ca - 2016). Năm 2011, chị ra tập truyện ngắn đầu tiên có tên là “Ngón hoa”, năm 2014 ra tập truyện ký “Khúc quân hành lặng lẽ”…