Nâng giá trị đặc sản Hậu Giang
Những ngày cuối năm 2019, chị Nguyễn Thị Phương Hà luôn tất bật giao hàng cho khách. Trò chuyện với phóng viên mà chuông điện thoại của chị cứ reo liên tục. “3 tháng cuối năm, đặc biệt là thời điểm cận Tết, cơ sở hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu của khách. Năm nay dự kiến chúng tôi sẽ cung cấp khoảng 3 tấn sản phẩm cho khách hàng”, chị Hà cho biết.
Cơ sở cá thát lát “Miền Hậu Giang” của chị có quy mô 2.000m2, sản xuất chủ yếu 3 mặt hàng thương phẩm là chả cá thát lát, cá thát lát rút xương, cá thát lát tẩm gia vị với công suất 1 tấn/tháng; giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 150 - 200 nghìn đồng mỗi ngày.
Tân Phú là xã khó khăn của thị xã Long Mỹ, người dân sống chủ yếu bằng nghề nông, thu nhập chính dựa vào cây lúa, kinh tế không ổn định. Do làm việc theo thời vụ nên lao động ở địa phương nhàn rỗi nhiều. Phần lớn thanh niên không mặn mà với công tác Đoàn nên họ lần lượt rời quê đi làm thuê xa. Vì thế, chị luôn đau đáu tìm giải pháp để thu hút thanh niên và giữ chân họ bám quê phát triển kinh tế gia đình.
Cá thát lát được biết tới là một đặc sản và là một trong 10 sản phẩm chủ lực của tỉnh Hậu Giang. Sản phẩm “cá thát lát Hậu Giang” đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ độc quyền. Cuối năm 2016, cá rớt giá thê thảm, từ 70.000 đồng xuống còn 30.000 đồng/kg. Năm đó, chị Hà cũng như nhiều người dân khác bị thua lỗ nặng. Nhiều người nuôi đã bỏ cuộc, còn chị vẫn kiên trì theo đuổi.
Ưu điểm của cá thát lát là ít xương, thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt mịn, săn chắc, thơm ngon. Một bài toán đặt ra với chị là làm sao nâng giá trị con cá. Sau khi nghiên cứu kỹ thị trường, chị tiếp tục vay ngân hàng 400 triệu đồng để đầu tư. “Cá thịt ngon, được thị trường ưa chuộng nên tôi mạnh dạn mở rộng cơ sở với mong muốn nâng cao giá trị con cá cũng như tạo thêm việc làm cho thanh niên địa phương”, chị Hà chia sẻ.
Mong được vay vốn mở rộng sản xuất
Chị Hà tổ chức quy trình sản xuất khép kín, theo hình thức chuỗi giá trị từ khâu nuôi, thành phẩm và đến tay người tiêu dùng nên luôn đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Để mở rộng thị trường, chị phải tiếp thị trên mạng xã hội, rồi trực tiếp đến các nhà hàng, quán ăn, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Hiện chị có 3 ao với diện tích 0,7 ha, nuôi trên 10.000 con cá. Giữ được chữ tín với khách hàng, sản phẩm của chị làm ra đến đâu bán hết đến đó. Năm 2019, cơ sở của chị đạt doanh thu 1 tỷ đồng, lãi khoảng 200 triệu đồng.
Chị Hà cho biết, thời gian tới sẽ mở rộng quy mô, chế biến theo chuỗi giá trị đạt tiêu chuẩn HCAP (kiểm soát từng giai đoạn sản xuất) và truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng smartphone thông qua mã vạch QR Code. Chị còn đầu tư vào thiết kế nhãn hiệu cho sản phẩm nổi bật, đưa sản phẩm vào những thị trường khó tính, các siêu thị lớn và hướng đến xuất khẩu.
Chị đã thành lập câu lạc bộ nuôi cá thát lát với 7 thành viên. Các thành viên câu lạc bộ đã được chị hỗ trợ con giống, kỹ thuật và bao tiêu đầu ra. Theo chị, cái khó nhất vẫn là nguồn vốn; nếu tiếp cận được vốn vay ưu đãi thì hỗ trợ giống cho các thành viên được nhiều hơn, khi ấy sẽ thu hút nhiều bạn trẻ ở lại quê sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
“Nhiều bạn trẻ thấy mô hình hiệu quả, yên tâm về đầu ra nên rất muốn tham gia. Tuy nhiên, nguồn vốn của tôi thì có hạn, chỉ hỗ trợ được vài bạn. Hiện chúng tôi tiếp cận các nguồn vốn vay rất khó khăn, nên chỉ mong được tạo điều kiện vay vốn để đầu tư làm ăn”, chị Hà cho biết.
Anh Trần Minh Tuốc, Bí thư Thị Đoàn Long Mỹ, đánh giá, chị Hà là một thủ lĩnh của thanh niên, tiên phong, dám nghĩ dám làm. Chị luôn nhiệt tình hỗ trợ thanh niên về kỹ thuật, con giống để phát triển kinh tế. “Chúng tôi mong muốn cấp trên hỗ trợ, tạo điều kiện để nhiều thanh niên khác được vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Tôi cho rằng, đây cũng là cách thu hút thanh niên tham gia công tác Đoàn và đưa cá thát lát Hậu Giang vươn xa”, anh Tuốc nói.