NTK Đinh Văn Thơ là một trong những NTK đã gắn bó và dành nhiều tâm huyết cho những tà áo dài Việt. Anh được coi là người giữ hồn cho tà áo dài với hàng trăm, hàng nghìn tác phẩm trau chuốt, tỉ mỉ, góp phần giới thiệu và gìn giữ những giá trị, ý nghĩa của trang phục quốc dân.
Không chỉ lưu giữ hồn Việt trong từng tà áo dài, mà đối với NTK Đinh Văn Thơ, nét đẹp, nét mộc mạc ấy còn được anh nâng niu trong từng không gian sống của mình với những căn nhà tranh vách đất giữa lòng Sài Gòn nhộn nhịp.
Sinh ra ở một vùng quê cực khổ, mặc dù khi lớn lên trở thành NTK nổi tiếng, có cuộc sống sung túc hơn nhưng NTK Đinh Văn Thơ vẫn luôn hướng đến những giá trị truyền thống cốt lõi. Không chọn cuộc sống xa hoa trong nhà lầu, anh lại chọn cho mình không gian sống khá giản dị với những căn nhà tranh vách đất của một thời nghèo khó xa xưa.
NTK Đinh Văn Thơ tâm sự, anh yêu thích sự bình yên ở những vùng thôn quê, yêu thích những thứ của một thời nghèo khó, cổ xưa nên anh đã dành 700m2 trong khu đất rộng hơn 1000m2 của mình để xây dựng những ngôi nhà mái tranh .
Anh cho biết, ngôi nhà gỗ đúng chất xưa được xây dựng cách đây 4 năm vẫn khiến anh chưa hài lòng và còn cảm nhận được sự sang trọng nên anh đã quyết định xây dựng tiếp những ngôi nhà tranh.
“Tôi đã đến những căn nhà mái tranh nhiều nhưng chưa được ở nên tôi rất thích sự nhẹ nhàng, ấm áp, bình yên ở đó. Bây giờ họ sợ không muốn ở nhà tranh vách đất vì nhìn nó cũ kỹ, nghèo nàn nhưng tôi lại thích những giá trị cốt lõi, ý nghĩa này bởi tôi lớn lên từ vùng quê cực khổ, tự lập từ bé, đã trải qua và trân trọng, nâng niu điều đó.
Hơn nữa, bản thân tôi thích những gì cổ, chưa thay đổi, nhất là cuộc sống hiện đại, đầy đủ tiện nghi càng phải giữ điều cốt lõi để nhìn lại”, NTK Đinh Văn Thơ tâm sự.
Chia sẻ về ý tưởng xây dựng ngôi nhà này, NTK Đinh Văn Thơ cho biết, anh đã lấy sân khấu của một show diễn áo dài ở Hội An của mình mang về cho không gian sống ở Sài Gòn. Đồng thời, anh bổ sung thêm những vật dụng cho căn nhà tranh đó.
“Ngôi nhà tranh này tôi dựng hình ảnh người xưa sống trong đó và đi trên một con đường làng, một con sông bình yên với những vựa lúa đúng chất thôn quê. Hầu như những gì tôi làm ra, muốn dựng lên đều là những gì tôi thích và có sẵn trong đầu, không cần bản vẽ, sự chuẩn bị trước.
Nhiều không gian dựng xong đẹp vượt quá sức tưởng tượng khiến tôi chỉ cần ngồi trong bếp, nhóm lửa nhìn ra bờ sông, hàng lúa cũng cảm thấy thư thái”, NTK Đinh Văn Thơ chia sẻ.
Để xây dựng được ngôi nhà tranh như ý này, NTK Đinh Văn Thơ đã phải xuống Hội An tìm mua tranh đất, tre ngâm đủ 6 tháng và tìm thợ từ Hội An vào Sài Gòn để làm. Hơn nữa, anh còn đi khắp mọi nơi tìm mua những “đồ cổ” như nồi gang, bếp củi, gác măng giê đúng ngày xưa.
“Việc xây dựng ngôi nhà khá nhanh, chỉ có điều việc tìm thợ, vật liệu, vận chuyển lâu. Để tìm đồ vật phù hợp, đúng với ngôi nhà, tôi phải lặn lội, mất thời gian khá nhiều. Chi phí để tìm không đáng là bao vì đó là những đồ không bóng bẩy như đồ xưa vì toàn là đồ cũ người ta không dùng nữa, có những bộ chén chỉ khoảng 5-10 triệu, bộ bàn hơn 10 triệu”, NTK Đinh Văn Thơ cho biết.
NTK Đinh Văn Thơ chia sẻ, ngôi nhà tranh này của anh đầy đủ hơn một ngôi nhà tranh ngày xưa nên mọi người sẽ được được ngắm nhìn, thưởng thức và thấy khung cảnh xưa một cách toàn diện nhất. Đặc biệt, giữa thời tiết Sài Gòn nóng nực, khi bước vào căn nhà tranh này, ai cũng rất thích không chỉ bởi sự nhẹ nhàng, tận hưởng cuộc sống an nhiên và còn rất mát, sạch sẽ như đang ở trong villa.
Chính bởi việc sở hữu ngôi nhà như mong ước nên Tết Mậu Tuất vừa rồi, anh đã quyết định ở lại Sài Gòn để tận hưởng. Nếu như trước đây, Tết đến anh thường đi về các làng quê làm từ thiện, tìm kiếm sự yên bình, những vẻ đẹp xưa cũ thì giờ đây anh đã có ngôi nhà đúng với mong muốn, sở thích của mình.
NTK Đinh Văn Thơ tâm sự, anh yêu những giá trị truyền thống nên anh sẽ giữ mãi và trân trọng điều đó, không chỉ trong từng tác phẩm áo dài mà con trong từng không gian sống để mỗi ngày trôi qua, sau những bon chen của cuộc sống thường nhật bên ngoài, đóng cánh cổng lại anh sẽ được sống trọn vẹn cùng ký ức đẹp đẽ.