Sau khi đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, Trung Hiếu dường như không còn mặn mà với nghề diễn. Tuy nhiên, mỗi năm nam diễn viên gốc Thái Bình chỉ tham gia vào các bộ phim hài Tết. Việc anh nhận lời đóng hài Tết đơn giản vì yêu thích vai diễn, thời gian quay được rút ngắn. Có lẽ, ở tuổi này, vẫn chưa vợ con nên Trung Hiếu không còn nặng nề, áp lực về tiền bạc. Anh vẫn trẻ trung, đầy sự nhẹ nhàng. Khi được hỏi về tình yêu, thời gian đám cưới, tuyệt nhiên anh không hé lộ và vẫn là lời hứa hẹn: “Sang năm Hiếu sẽ cưới!”.
Cát-xê có thể mua được mấy chục cái nhà
- PV: Từ khi lên làm lãnh đạo Nhà hát kịch Hà Nội, dường như anh vắng bóng trên các bộ phim truyền hình, thay vào đó chỉ tham gia phim Tết, vậy lý do là gì?
- NSND Trung Hiếu: Mỗi một năm tôi chỉ có thể tham gia 1 đến 2 bộ phim Tết. Năm nay, tôi tham gia bộ phim “Họ Lý tên Thông”; “Đại gia chân đất” và “Tết vui phết, Tết của Mr. Lùn”. Lý do tôi chỉ có thể đóng phim Tết vì thời gian làm phim ngắn hơn so với những bộ phim truyền hình. Thường các bộ phim truyền hình sẽ khoảng từ 25 đến 60 tập, phải theo đoàn đi quay có khi mất cả năm. Trong khi tôi còn công việc Nhà hát.
- Người ta đồn, anh chỉ đóng phim Tết vì cát-xê cao?
- Tin đồn này từ đâu ra, tôi không quan tâm cát-xê mình nhận được bao nhiêu. Tôi làm vì nghĩ đơn giản, bà con đi làm vất vả cả năm nên cần có một bộ phim hài, cười sảng khoái. Tôi chỉ biết làm phim vì đam mê nghề, vậy thôi! (Cười)
- Cát-xê của anh có thể mua được một căn nhà?
- Cát-xê của tôi có thể mua được mấy chục cái nhà đấy (cười). Đùa vậy, hiện tại tôi vẫn sống cùng bố mẹ ở một căn nhà nhỏ nằm trên đường Nguyễn Khuyến trong suốt nhiều năm qua. Nếu đóng một bộ phim Tết mà mua được một căn nhà thì giàu to. Tất cả bộ phim tôi tham gia vì tôi yêu thích vai diễn đó. Còn lại tôi không quan tâm.
- “Họ Lý tên Thông” là một bộ phim hài về đề tài dân gian, vậy việc hóa trang có khó khăn với anh và có sự cố nào không?
- Có một sự cố vui lắm. Để hóa trang cho nhân vật mình đảm nhận, tôi phải đặt làm bộ răng giả. Trước đó, tôi đóng “Chí Phèo” nên cũng phải làm một bộ răng giả. Nhưng vì va đập nhiều nên bị gãy vậy nên phải có bộ khác thay thế. Có cảnh quay Chí Phèo đập chai rượu vào miệng dẫn đến gãy mất răng, phải làm bộ khác nhưng để làm được bộ răng mất đến cả tuần.
Vậy nên đoàn làm phim phải chờ tôi làm bộ răng mới rồi tiếp tục quay. Lần này đóng “Họ Lý tên Thông” thì tạo hình làm răng khác Chí Phèo, cộng thêm các nốt ruồi rồi mắt cứ xanh lét như mắt cáo, đội tóc giả, lưng gù… Rút kinh nghiệm với bộ phim “Chí Phèo”, tôi đã cẩn thận chuẩn bị sẵn 3 bộ răng để cho yên tâm. Tôi đóng vai Lý Thông nên phải hò hét, mà mỗi lần hò hét là răng nó văng ra ngoài. Khán giả ngồi ngoài xem cứ nhảy lên cười. Lắm lúc, tự dưng răng lại rơi ra...
- Cũng đã khá lâu mới thấy anh quay trở lại với hài dân gian, phải chăng anh thích đóng hài hiện đại vì sự nhẹ nhàng từ nhân vật đến hóa trang?
- Điều này không đúng. Tôi làm việc phụ thuộc vào kịch bản. Cũng tùy theo có bén duyên với các hãng phim không. Cái gì cũng phải xuất phát từ đam mê, mà đam mê phải xuất phát từ sự yêu thích. Nếu không thích kịch bản, tôi sẽ từ chối. Quan trọng nhất vẫn là phải giữ được hình ảnh của mình trước công chúng.
Các công việc liên quan đến sáng tạo càng phải có sự đam mê nhiều hơn, không say mê, không say đắm sẽ không hết mình. Cách đây vài năm, tôi từng hợp tác vơi đạo diễn Đông Hồng về một bộ phim hài dân gian. Bộ phim này tôi đóng cùng với Tự Long và Xuân Bắc có tên gọi là “Quan trường trường quan”. Đây cũng là bộ phim khá thú vị. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây thì tôi khá bận nên không thể tiếp tục tham gia. Năm nay, tôi cố gắng tham gia vì lịch quay không mất nhiều thời gian.
- Đạo diễn Đông Hồng có chia sẻ về diễn viên Bắc và Nam có quan điểm về cát-xê khá khác nhau, vậy anh có chia sẻ gì về điều này?
- Thực sự tôi không quan tâm chuyện cát-xê. Tôi từng trả lời nhiều báo về điều này. Tôi tham gia đóng phim điều quan trọng là tôi thấy thích, đam mê. Nói chung nghệ sĩ khá là nghèo. Cuộc sống bây giờ khá hơn trước nhưng với những nghệ sĩ nhiều show. Còn nghệ sĩ ở Nhà hát kịch Hà Nội - đơn vị tôi đang quản lý có hơn 100 cán bộ công nhân viên chức thì lương họ cũng ở mức thấp, vài triệu đồng, tiền bồi dưỡng cho một đêm diễn chỉ vài trăm nghìn đồng.
Đời sống anh em cực kỳ vất vả. Tôi thường nói với anh em ở nhà hát là ngoài công việc ở nhà hát tôi cho các anh em đi làm phim ở ngoài. Những công việc liên quan đến nghề nghiệp là tốt nhất, còn kinh doanh hay gì thì tùy các bạn, miễn sao đừng phạm pháp. Quan trọng là tăng thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho vợ cho con.
- Thời gian gần đây, báo chí đã đặt ra những vấn đề về hài nhảm, dung tục... Trong đó có bộ phim “Đại gia chân đất” mà anh tham gia cũng được đánh giá là hài nhảm, anh có chia sẻ gì về ý kiến này?
- Tôi nghĩ, dư luận lên tiếng là điều đáng để mình phải quan tâm. Mình làm phim là để cho công chúng xem nhưng khi ra mắt công chúng bộ phim còn phải có sự kiểm duyệt của những nhà quản lý văn hóa. Trước khi làm phim thì kịch bản phải có kiểm duyệt, sau khi bộ phim hoàn thành đến với khán giả cũng phải qua hội đồng kiểm duyệt. Khi duyệt xong, được cấp phép thì mới phát hành. Vậy nên những cảnh không được cấp phép phải cắt bỏ.
- Là một diễn viên tham gia bộ phim “Đại gia chân đất” trong suốt nhiều năm qua, dưới góc nhìn của nghệ sĩ , anh đánh giá thế nào?
- Tôi nghĩ làm cái gì cũng phải theo luật, không cảm tính. Không người này “Ơ thế là xấu lắm”, người kia “Ơ thế là vớ vẩn, sao lại hở hang như thế nhỉ”... Vấn đề là phải có hành lang luật, khi hội đồng kiểm duyệt đã đồng ý thì hội đồng phải có trách nhiệm cho phép phát hành.
- Cảm ơn NSND Trung Hiếu!