Tiếng đàn của Đặng Thái Sơn vẫn nồng nàn như thuở đôi mươi. Ảnh: L.A
Ngay sau khi chơi xong hai bản nhạc với dàn nhạc giao hưởng Hàn Quốc, nghệ sỹ nhân dân Đặng Thái Sơn chia sẻ với báo giới: "Mọi người đi nghe nhạc vẫn nghĩ đây là đêm nhạc mang tính chất ngoại giao, giao lưu văn hóa, kỷ niệm 27 năm thiết lập quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc, nhưng với riêng tôi, đây là đêm nhạc kỷ niệm sinh nhật lần thứ 60 của mình”.
Nghệ sỹ cho biết thêm: “Thực ra tôi không định làm gì, nhưng gia đình và bạn bè đều thúc giục, nên tôi nghĩ cũng sẽ làm một cái gì đó vì dù sao ở nhà mình vẫn quan niệm một hoa giáp rất quan trọng. Tôi muốn làm âm thầm và tôi nghĩ khi tôi có một dàn nhạc chuẩn, có cây đàn chuẩn, nhà hát lớn, khán giả chuẩn, không gian Nhà hát Lớn, sống với những giây phút âm nhạc, đây chính là tôi kỷ niệm tôi 60 tuổi”.
Và anh chuẩn bị cho gì cho lễ kỷ niệm tuổi 60 của mình?
Tôi chọn bản nhạc Piano Concerto in a minor (Edvard Grieg). Đây là bản nhạc tôi biểu diễn tốt nghiệp trung cấp nhạc cách đây hơn 40 năm. Tôi vẫn nhớ, lúc đó chính mẹ của tôi đã dạy tôi bản nhạc này. Hôm nay, tôi rất vui khi mẹ tôi đã ngoài 100 tuổi nhưng vẫn cố gắng tới nghe tôi chơi đàn.
Anh có thấy sự khác nhau khi chơi bản nhạc này ở tuổi đôi mươi với khi đã một hoa giáp không?
Hồi đó, chúng tôi học nhạc hoàn toàn ở Việt Nam, nên độ điêu luyện không thể so sánh được. Cái giống nhau đó là độ nồng nàn vẫn giữ được. Dù cái nồng nàn ở tuổi già nhiều triết lý, cũng khác so với cái nồng nàn thời tuổi trẻ.
Anh có thể chia sẻ bí quyết luôn giữ được sự nồng nàn?
Theo tôi là có hai cách. Thứ nhất là luôn tạo lý do để giữ cho nó khỏi khô héo. Còn tưới bằng cách nào thì tôi xin giữ bí mật (cười). Nếu ai tinh, thông qua tiếng đàn có thể hiểu tôi tưới kiểu gì. Âm nhạc cũng cần tưới tắm, chứ không riêng gì cỏ cây. Thứ hai, tôi nghĩ đây cũng là gien di truyền. Tôi may mắn có bố mẹ truyền cho nên không bị khô héo.
Vậy anh có hồi hộp cho lễ kỷ niệm tuổi 60 của mình hay không?
Mọi người cứ bảo diễn nhiều thành quen, nhưng với tôi mỗi buổi diễn là một lần hồi hộp, chỉ có điều nhiều hay ít và mình tự kiềm chế được. Tôi nghĩ hồi hộp cho ta hứng phấn thì có ích, còn hồi hộp làm ta run hay mất độ hoàn thiện thì không ổn.
Anh đã từng nói cũng có ý định tổ chức kỷ niệm tuổi 60 của mình, nếu không có đêm nhạc này thì anh sẽ làm gì?
Chắc sẽ để nó trôi qua thôi. Tất cả gia đình bạn bè đều thúc tôi làm, nhưng thú thật, tôi không thích tự dưng tạo một sự kiện gì cho bản thân, tôi thấy kì cục. Nên nhân một cái cớ mà chẳng ai biết, báo chí không biết, người xem không biết, chẳng ai biết nó là một cái gì. Còn trong lòng tôi, đó là đêm nhạc ghi dấu ấn của độ tuổi.
Vậy anh dự định sẽ biểu diễn đến bao giờ?
Đến khi nào vẫn nồng nàn được, vẫn tươi mát được thì tôi vẫn tiếp tục, chứ không đề ra một cái mốc nào cả. Đây là qui luật tự nhiên. Nồng nàn là cái đẹp, nhưng ở độ tuổi này cái nồng nàn phải đi vào chiều sâu.
Được biết anh rất bận rộn, liệu anh có thêm dự án âm nhạc nào tại Việt Nam không?
Tôi đang có một dự án khác tại Việt Nam, nhưng sẽ là TPHCM. Mọi người cứ bảo tôi cứ diễn ở HN, bỏ rơi TPHCM. Tôi không nghĩ như thế, nhưng năm nay tôi sẽ tham dự một festival piano quốc tế tại TP HCM cùng với dàn nhạc thành phố.
Tên tuổi của anh khi nhắc tới vẫn được khán giả yêu thích. Anh có thể chia sẻ bí quyết gì không?
Thế nên,tôi xin bật mí là nếu muốn được khán giả yêu mến thì cứ lâu lâu mới diễn một lần, chứ cứ diễn đều đều hàng tuần thì tôi cam đoan ghế trống là cái chắc (cười lớn). Lâu lâu tôi không xuất hiện, mọi người mới thấy cái mới, cái lạ. Chứ tuần nào cũng diễn thì lấy đâu ra mới lạ.
Được biểu diễn trong không khí xuân về,lại diễn ra giữa lòng Hà Nội, tâm trạng anh thấy thế nào?
Mỗi lần biểu diễn ở quê nhà, tôi luôn có những tâm trạng khác nhau. Nhưng cũng phải thú thật, để lấy được cảm hứng đặc biệt mà ở nhà mình gọi là thăng hoa thì không phải ngày nào cũng có được, rất khó. Tôi luôn cố gắng giữ phong độ cho các chuyến lưu diễn. Đấy là khi độ chuyện nghiệp lên cao. Đặc biệt buổi hôm nay, nó mang nhiều tình cảm của tôi hơn cả.
Xin cảm ơn nghệ sỹ.