Ngày đầu tiên triển khai Luật Bảo hiểm Y tế:

Nóng và kẹt cứng vấn đề cùng chi trả

TP - Trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế mới, đoàn công tác Bộ Y tế đã đến các bệnh viện kiểm tra việc triển khai Luật BHYT cũng như ghi nhận một số vướng mắc khi thực hiện luật mới.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, vấn đề nóng nhất được ban giám đốc bệnh viện đặt ra khi thực hiện Luật BHYT mới là chuyện cùng chi trả năm phần trăm và 20 phần trăm chi phí điều trị.

TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, quy định buộc bệnh nhân cùng chi trả mức viện phí nói trên sẽ gây thắc mắc trong bệnh nhân khi thu viện phí.

TS Quốc Anh cho biết thêm, quy định trần cũng sẽ có vướng mắc. Cụ thể khi bệnh nhân điều trị kỹ thuật cao, chi phí lớn, nhưng theo diễn biến của bệnh chuyển sang khoa khác thì khoa sau đó phải cộng thêm chi phí của khoa trước. Vì thế sẽ rất khó cho khoa điều trị sau và sẽ dẫn tới tình trạng cho bệnh nhân ra viện rồi lại nhập viện để tránh mức trần.

Đơn cử như quy định trần trong điều trị kỹ thuật cao, chi phí lớn ghi trong Luật là 26 triệu đồng, nếu bệnh nhân khám tại khoa này xong cũng đạt mức trần bằng đó, nhưng phải chuyển sang khoa khác điều trị thì lại không được tính từ đầu mà cộng dồn. Điều này sẽ khó cho bệnh nhân và bệnh viện.

Để tránh khó khăn cho bệnh nhân và bệnh viện, TS Quốc Anh đề nghị, áp dụng biện pháp sau khi điều trị tại một khoa xong, làm thủ tục cho bệnh nhân ra viện, sau đó lại làm thủ tục nhập viện trở lại vào khoa khác để tạo điều kiện thanh toán trần cho bệnh nhân BHYT.

Theo quy định mới thì Quỹ BHYT sẽ chỉ thanh toán cho người bị tai nạn giao thông nhưng không vi phạm Luật Giao thông. Tuy nhiên thực tế thí điểm trong thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng sẽ có khó khăn để xác định người bệnh có vi phạm luật hay không, trừ khi người bệnh có mùi rượu, bia.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho hay, Bộ Y tế sẽ làm việc với Bảo hiểm xã hội về việc thành lập bộ phận giám định vấn đề ngay ở bệnh viện.

Trực tiếp đi kiểm tra tại các bệnh viện trong ngày đầu thực hiện Luật BHYT mới, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, cho rằng thực tế có một số vướng mắc trong Luật BHYT khi thực hiện nhưng yêu cầu các bệnh viện tuyệt đối không thể để vấn đề cùng chi trả làm chậm trễ việc điều trị cho bệnh nhân.

Vẫn kẹt cứng

4 giờ sáng tại bệnh viện quận Bình Thạnh, nhiều người đã đến lấy số để khám BHYT.

Bà Trần Thị Thu, 61 tuổi ở phường 7, quận Bình Thạnh cho biết, bà đến lấy số khám khi 5 giờ sáng, nhưng mãi đến 10 giờ mới khám xong. Bà Thu than thở: “Nghe nói triển khai khám BHYT theo mô hình mới nhưng cũng không khác ngày trước là bao. Vẫn chờ đợi”.

Chị Cao Thị Thúy Loan ở Trần Tế Xương, quận Bình Thạnh đang ngồi chờ lấy thuốc gần một tiếng nhưng vẫn chưa thấy gọi tên. 7 giờ sáng chị đến khám tại phòng tiếp nhận BHYT nhưng theo chị Loan,  khám bảo hiểm vẫn qua loa chiếu lệ như trước.

Tại nơi tiếp nhận bệnh nhân BHYT tại BV Ung bướu TPHCM hôm qua, hàng trăm bệnh nhân đứng ngồi dưới chân cầu thang và chờ ngoài sân. Chị Hà Anh ở Tiền Giang nhập viện cho con bị ung thư trái tuyến, theo quy định mới của BHYT nên đành chấp nhận chờ làm thủ tục.

Chị Anh cho biết: “Nơi thanh toán BHYT chưa ghi rõ từng đối tượng vượt tuyến đóng bao nhiêu phần trăm, đối tượng chính sách đóng bao nhiêu nên ai cũng nộp sổ chung một chỗ rất bất tiện”.

Theo bác sĩ Lê Hoàng Minh- GĐ BV Ung bướu, do bảng phân theo nhóm đối tượng được hưởng BHYT chưa làm xong nên bệnh nhân còn gặp khó. Hiện bệnh viện quá tải người đến khám và điều trị, bệnh nhân vẫn kẹt cứng từ 6 đến 12 giờ.

Tại khu khám BHYT ở BV Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện Bình dân và BV đa khoa khu vực Thủ Đức sáng ngày 1/10 cũng kẹt cứng người lấy số chờ khám.

Theo bác sĩ Trịnh Vĩnh Hưng - GĐ BV Đa khoa Thủ Đức, nơi đây mỗi ngày khám cho 1.200 bệnh nhân BHYT, vì vậy khi thực hiện Luật BHYT mới bệnh viện đã cử năm nhân viên túc trực, hướng dẫn và tư vấn cho bệnh nhân đến khám để không gây phiền hà cho người bệnh.