Nóng chuyện ngư dân Việt bị bắt ở Indonesia

TPO - Theo đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn, kể từ năm 2015, sau khi Indonesia có chính sách tương đối mạnh tay đối với những ngư dân nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển, số lượng tàu cá Việt Nam bị Indonesia bắt có xu hướng tăng vọt. Hiện còn khoảng 400 ngư dân đang bị giam giữ và đang chờ hoàn tất thủ tục hồi hương.
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn tiễn các ngư dân về nước.

Trong số các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài về dự hội nghị ngoại giao lần này, đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn có vẻ “đắt sô” hơn cả, bởi lẽ báo chí trong nước rất quan tâm tới thân phận của ngư dân Việt. Trong khoảng thời gian nghỉ ngắn ngủi của lịch làm việc dày đặc hàng ngày từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm, đại sứ Hoàng Anh Tuấn đã chia sẻ với báo điện tử Tiền phong .

Được biết, trước khi về nước dự hội nghị, đại sứ vừa hoàn tất thủ tục hồi hương cho 49 ngư dân Việt. Vì sao số lượng ngư dân Việt của mình bị phía Indonesia bắt giữ tăng nhanh trong mấy năm gần đây, thưa ông?

Đứng ở góc độ nào đó, đây cũng là chuyện khách quan giữa những nước có vùng biển giáp nhau.  Bởi lẽ, trước đây cả ngàn đời các ngư dân cứ tự do đánh cá trên vùng biển, làm gì có phân định ranh giới như bây giờ. Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế hiện đại, có luật pháp quốc tế mới phân chia ranh giới biển, kể từ khi Công ước của Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) có hiệu lực từ 1994 đến nay, các nước cần phải tuân thủ theo luật pháp quốc tế.

Trước khi tôi sang nhận nhiệm kỳ tại Indonesia đã có nhiều ngư dân Việt bị bắt và được trả về. Từ năm 2014 trở về trước, mỗi năm chỉ có khoảng 200- 250 người bị bắt và được phía Indonesia trao trả .

Kể từ năm 2015, sau khi Indonesia có chính quyền mới, có chính sách  tương đối mạnh tay đối với những ngư dân nước ngoài xâm phạm trái phép vùng biển của họ. Số lượng các tàu cá VN bị Indonesia bắt có xu hướng tăng vọt. Chẳng hạn như năm 2015 so với 2014 tăng gấp 2 lần, cụ thể là 675 người bị bắt giữ trong năm 2015. Còn 6 tháng đầu năm 2016 là khoảng  400, hiện còn khoảng  400 ngư dân vẫn còn bị giam giữ và đang chờ hoàn tất thủ tục để được hồi hương.

Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã làm gì để bảo hộ công dân của mình?

Chúng tôi cũng thuyết phục phía bạn rằng, ngư dân là những người làm công ăn lương, họ dường như không hiểu gì về chuyện xâm phạm, vì thế họ chỉ bị xử tương đối nhẹ. Tuy nhiên, thuyền trưởng và máy trưởng bị phía bạn cho là có chủ đích nên bị xử nặng, đặc biệt nếu xâm phạm vào vùng 12 hải lý thì bị xử rất nặng, cao nhất có thể lên tới 6 năm tù.

So với các mức phạt cơ bản, với sự can thiệp của đại sứ quán, mức phạt có giảm, nhưng cũng phải nằm trong khung  phạt của họ. Ngoài ra, đại sứ quán cũng nhân các dịp đặc biệt như lễ, tết hay quốc khánh của họ hoặc của VN thì xin ân xá xin trên cơ sở nhân đạo để được giảm án.

Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn.

Những khó khăn mà đại sứ quán thường phải đương đầu là gì, thưa đại sứ?

Quả thật, mỗi ngư dân lại có những hoàn cảnh khác nhau. Có người không biết chữ, cứ buổi sáng buổi chiều họ ra bến cảng chờ việc. Nơi nào có tàu cần lao động thì họ đăng ký đi làm. Khi đi làm, họ cũng không biết tàu đi đâu, do hoàn cảnh đưa đẩy, có những người ở vùng núi như Tuyên Quang vì cuộc sống cũng đã phải xuống miền biển xin việc. Cho nên khi xác minh nhân thân cũng có lúc khó khăn. Chẳng hạn, tên trong hộ khẩu và  tên trong Chứng minh thư khác nhau.

Nhiều lúc xác minh được nhân thân, cũng không thể đưa họ về ngay vì lý do kinh tế, không thể đưa họ về riêng lẻ vì chi phí quá đắt đỏ, dù chúng ta có Quỹ bảo hộ công dân.

Hơn nữa, Indonesia  có vùng biển trải dài 1,9 triệu km2, có nhiều đảo khá xa đất liền, giao thông không thuận tiện, không có đường hàng không và  các đường giao thông khác.

Trong khi đó, ngư dân ta bị bắt ở nhiều vùng khác nhau. Việc di chuyển từ những nơi đảo xa về tới trung tâm Jakarta, nơi có đường bay thẳng về TPHCM phải mất nhiều chặng và nhiều thời gian. Địa danh khuất nẻo nhất như vùng Tây Papua, cực tây của Indonesia, nếu đi về Jakarta rất xa xôi, vất vả.

Có nhiều trường hợp ngư dân không mang theo giấy tờ tùy thân ?

Nhiều chứ. Chuyện đi biển xa không mang theo giấy tờ là chuyện bình thường vì  họ không thể mang theo bản gốc, trong khi chuyến đi dài ngày, nắng mưa bất chợt. Cũng có cả lý do khách quan, họ không cầm đi và khi bị bắt thì không muốn đưa tên thật, nên nhiều lúc cũng khó xác minh.

Để giảm thiểu tình trạng này, chúng ta cần phải làm gì, thưa đại sứ?

Chúng tôi đã làm việc nhiều với các cơ quan ban ngành địa phương, nơi có nhiều tàu cá đi đánh bắt ở xa, tăng cường tuyên truyền thông tin tới các ngư dân về luật pháp quốc tế và những hình phạt họ sẽ phải đối mặt. Đặc biệt, họ sẽ bị phạt nặng nếu tái phạm,  thậm chí có thể bị tịch thu tàu cá. Do đó, tôi rất mong muốn ngư dân mình có hiểu biết và chấp hành luật pháp quốc tế. Trong trường hợp bất khả kháng, nếu  bị phía Indonesia bắt giữ, hãy nhanh chóng liên hệ với Sở Ngoại vụ địa phương, liên hệ với  Cục lãnh sự VN, đại sứ quán VN tại Indonesia, chúng tôi có biện pháp và có trách nhiệm bảo hộ công dân.

Xin cảm ơn ông.