Sao tuyển trổ tài sân “phủi”
Giải Bóng đá ngoại hạng Hà Nội tranh cúp Bia Sài Gòn Special (HPL S3) đã bước sang mùa thứ 3 với sự tham gia của 12 đội bóng phong trào. Được tổ chức tại sân Học viện An ninh (C500), giải hôm qua bước vào lượt trận cuối cùng với 6 cặp đấu chia làm 2 lượt, diễn ra trên 3 sân nhỏ.
Tại sân số 1, FC Hanel và Tô Ký Tứ Liên đã cống hiến cho khán giả một trận đấu vô cùng hấp dẫn. Mọi sự chú ý dồn vào tiền vệ tuyển thủ quốc gia Phạm Thành Lương (CLB Hà Nội T&T). Quy định của BTC HPL S3, mỗi đội bóng được đăng ký tối đa 7 cầu thủ chuyên nghiệp, và được phép cho vào sân cùng lúc 3 người. “Chia lửa” cùng Lương “dị” - là Công Huy - cựu cầu thủ Thanh Hóa và Tú “thổ” (biệt danh của cựu hậu vệ Hà Nội T&T Nguyễn Xuân Tú).
Nếu như ở đội tuyển quốc gia và Hà Nội T&T, Thành Lương chơi ở cánh thì khi thi đấu cho FC Hanel, anh gánh tuyến giữa đội bóng. Không hổ danh quân ăn tập chuyên nghiệp, Lương “dị” đã khiến khán giả phải nức nở với các pha xử lý bóng khéo léo, tinh tế. Kết thúc hiệp 1, tỉ số đã là 2-0 cho đội bóng của Thành Lương, trong đó có một pha đánh đầu cận thành “nhanh như điện giật” của Tú “thổ”. Xuất thân hậu vệ nhưng cầu thủ này trong màu áo FC Hanel cứ “tù tì” ghi bàn qua mỗi trận đấu.
Cạnh sân Thành Lương thi đấu, các cầu thủ Top Group và Du Lịch cũng “quần nhau” một trận ra trò, dù cả hai đều không còn mục tiêu nào để phấn đấu. Trong giới bóng đá phong trào, Top Group là một trong số ít đội nổi tiếng nhờ có tập luyện bài bản, với nhiều gương mặt nổi bật. FC Du Lịch trong khi đó khiến nhiều người nể phục vì độ nhiệt tình, khi cứ đều đặn mỗi tuần lại như FC Văn Minh (Nghệ An), vượt 300km từ Lào Cai xuống Hà Nội để thi đấu.
Do quy định cho phép các đội đăng ký cầu thủ chuyên nghiệp tham dự, khán giả HPL S3 đã quá quen với việc được theo dõi các ngôi sao trên tuyển, cả cựu lẫn đương thời ra sân, thi thố tài năng trên mặt sân cỏ nhân tạo. Ví như Thành Lương, Công Huy chơi cho FC Hanel; Quốc Vượng, Mạnh Hùng, Hoàng Thịnh (SLNA) đăng ký trong màu áo Văn Minh… Khán đài sân C500 liên tục vang lên những tiếng vỗ tay hoan hô, “ồ, à” sau mỗi pha bóng điệu nghệ, đậm chất kỹ thuật của các cầu thủ.
Phong trào hút khách
Bước qua mùa giải thứ 3, khâu tổ chức của giải ngày càng được chuẩn bị chặt chẽ, chu đáo và chuyên nghiệp hơn. Sức hút của giải đấu có lúc còn khiến sân cỏ V.League phải thèm thuồng.
Theo thống kê của BTC, ở mùa giải thứ 3, trung bình mỗi trận đấu có trên dưới 7.000 khán giả theo dõi. Giải trở thành một hiện tượng trong đời sống thể thao của Hà Nội. Đầu mùa giải, nhiều trận đấu khán giả kéo đến sân chật cứng, khiến khán đài C500 cũng quá tải.
Điều thú vị, không chỉ các thanh niên trẻ mà giải thu hút khá đông các gương mặt trung tuổi. Bác Trung, 65 tuổi, nhà ở Hà Đông hôm qua dẫn cả 2 cháu trai đến sân. “Xem các cầu thủ ở đây thi đấu, có quyết liệt nhưng vẫn vui vẻ, thư thái đầu óc. Như thế này mới thực sự là giải trí”,bác Trung nói.
Giải hút khách, cũng “hút” cả nhà tài trợ. Ở mùa giải thứ 3, BTC đã bắt đầu được “chọn” nhà tài trợ cho giải, và Bia Sài Gòn “trúng”. Theo nhà báo Dương Thanh Liêm (báo Thể thao 24h), Phó BTC giải, vấn đề khiến BTC lo lắng nhất là khâu an ninh. Cầu thủ chơi bóng “phủi”, chuyện thi đấu quyết liệt, dẫn đến xô xát là rất dễ xảy ra. Nhưng qua 3 mùa giải, ý thức các đội bóng và cầu thủ ngày càng nâng cao hơn. Phạm lỗi là sẵn sàng đứng lên nhận trách nhiệm, xin lỗi khán giả, xin lỗi đội bạn. Bóng đá phong trào, nhưng người tổ chức và người tham gia đều hành xử chuyên nghiệp.