Nỗ lực phát triển bền vững phải gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học

Để phát triển kinh tế đa dạng sinh học, Việt Nam cần duy trì sự kết nối giữa các tổ chức trong nước và quốc tế cùng với việc huy động nguồn lực tài chính từ khu vực kinh tế công và tư nhân...

Trong thời gian qua, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu, đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế- xã hội của từng quốc gia, giúp hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, cung cấp sinh kế cho cộng đồng địa phương.

Cuộc họp lần thứ 16 của Hội nghị các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (CBD COP16) mới đây đã để lại những kết quả tích cực. Trong đó, hội nghị đã thông qua một cơ chế và quỹ mới để chia sẻ lợi ích công bằng và bình đẳng từ thông tin giải trình tự kỹ thuật số của các nguồn gen. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng những người hưởng lợi từ đa dạng sinh học sẽ đền đáp cho cộng đồng, cho các quốc gia và quan trọng hơn là cho thiên nhiên.

Thiên nhiên đang cung cấp sinh kế và là nguồn sống cho hàng tỷ người trên thế giới. Do đó, việc bảo tồn thiên nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển hướng tới tương lai bền vững.

VIỆT NAM ĐANG PHẢI ĐỐI MẶT VỚI TÌNH TRẠNG SUY THOÁI ĐA DẠNG SINH HỌC

Tại Hội thảo “Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam” diễn ra ngày 7/11, khi đánh giá về thực trạng hiện tại, Giáo Sư Ben Groom – Chủ trì Nghiên cứu Kinh tế đa dạng sinh học Dragon Capital tại trường Đại học Exeter Anh Quốc nói rằng, nền kinh tế về cơ bản đều có sự gắn kết với thiên nhiên, song mối quan hệ này không được phản ánh đầy đủ trong các chỉ số kinh tế như GDP. Điều này dẫn đến việc đánh giá thấp đóng góp của thiên nhiên và tiêu tốn lãng phí hàng tỷ đô la mỗi năm vào việc hủy hoại môi trường.

Bởi vậy, trong báo cáo đánh giá độc lập về kinh tế học đa dạng sinh học do Giáo sư Sir Partha Dasgupta, Đại học Cambridge thực hiện đã nhấn mạnh sự cần thiết cấp bách phải thay đổi cách thức định giá và quản lý đa dạng sinh học. Cùng với đó, tác giả khuyến nghị các quốc gia cần phải định giá thiên nhiên, thực hiện phân tích chi phí-lợi ích cho các khoản đầu tư công và định giá vốn tự nhiên để đánh giá tính bền vững của nền kinh tế.

Hội thảo “Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam”

Tại Việt Nam, theo bảng xếp hạng của World Population Review năm 2024, Việt Nam xếp thứ 14 và thuộc nhóm 3 quốc gia Đông Nam Á được đánh giá cao về mức độ đa dạng sinh học.

Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng suy thoái nhanh chóng các hệ sinh thái do áp lực từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, gia tăng dân số, chuyển đổi sử dụng đất, khai thác tài nguyên thiên nhiên không bền vững, cùng với ô nhiễm môi trường và tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Điều này đặt ra nhiều thách thức đối với môi trường và cộng đồng địa phương, khi nhiều người đang phụ thuộc vào hệ sinh thái để duy trì sinh kế.

Chia sẻ tại Hội thảo, Phó Giáo sư - Tiến sỹ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm.

Trong nhiều năm qua, đa dạng sinh học có đóng góp lớn cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; là nền tảng để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch.

Tuy nhiên cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam hiện đang đứng trước không ít thách thức khi bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.

Thực tế cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn do những tác động đến từ thực trạng chuyển đổi đất, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số...

Cũng tại hội thảo, Ngài Marcus Winsley, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam nhận định: Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển các mục tiêu về cả kinh tế và đa dạng sinh học. Đây là quốc gia có tốc độ phát triển nhanh đồng thời cũng là một trong những trung tâm giàu đa dạng sinh học của thế giới.

Trong đó, rừng ngập mặn, rừng, bãi triều và đầm là những hệ sinh thái nổi bật và quý giá của Việt Nam. Dù vậy, những hệ sinh thái này đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế không bền vững.

CẦN PHÁT TRIỂN CÁC CƠ CHẾ TÀI CHÍNH SÁNG TẠO, DUY TRÌ KẾT NỐI VÀ HUY ĐỘNG NGUỒN LỰC

Trước thực trạng về phát triển đa dạng sinh học, ông Thọ cho biết Chính phủ Việt Nam đã có những cam kết cụ thể trong thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, đảm bảo phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học.

Chính phủ Việt Nam luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên. Tại Hội nghị COP26 về biến đổi khí hậu ở Glasgow, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Ứng phó với biến đổi khí hậu và phục hồi thiên nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển."

Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, như: Luật Đa dạng sinh học 2008, Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình bảo tồn.

Với việc chủ động tham gia vào các công ước quốc tế, cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam đã và đang từng bước ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái tại các địa phương hiệu quả.

Tuy vậy ông Thọ cũng lưu ý để thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế đa dạng sinh học, việc quan trọng là duy trì sự kết nối và huy động nguồn lực.

Đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế đa dạng sinh học, Phó Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Marcus Winsley nhấn mạnh: Vương quốc Anh rất vinh dự được tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong hành trình xây dựng một nền kinh tế bền vững.

Còn theo Giáo sư Lisa Roberts, Hiệu trưởng Đại học Exeter, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên không chỉ là “chìa khóa” để góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, mà còn đảm bảo phát triển kinh tế xanh bền vững.

Thời gian tới, bằng cách kết hợp thế mạnh chuyên môn giữa Trường Đại học Exeter Anh Quốc về kinh tế đa dạng sinh học với các đối tác, Việt Nam có thể đề ra các giải pháp vừa bảo vệ môi trường vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital Việt Nam cho rằng khu vực kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng trong việc góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam. "Vì thế, chúng tôi đã và đang hợp tác với Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu và đề xuất các cơ chế tài chính phù hợp với định hướng của Chính phủ cũng như mục tiêu chung của quốc gia,” ông Dominic Scriven nói.

Link gốc: https://vneconomy.vn/no-luc-phat-trien-ben-vung-phai-gan-lien-voi-bao-ton-da-dang-sinh-hoc.htm

Theo Vneconomy