“Đến gần sáng, tôi gọi được cho các con các cháu ở xa và nhận được cuộc gọi từ các anh chị em, biết cả nhà vẫn ổn là rất mừng, dù có thiệt hại về nhà cửa. Gia đình tôi rất cảm ơn cháu Đô, trong đêm bão gió như thế mà vẫn đi từ Cẩm Hải về đây để cố cứu trạm phát sóng, sửa máy nổ”, bà Trần Thị Luyến, phường Mông Dương, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh kể lại thời điểm sau khi cơn bão Yagi quét qua Quảng Ninh vào buổi chiều tối 7/9.
Xã Mông Dương có địa hình đồi núi, cách xã Cẩm Hải (TP. Cẩm Phả) khoảng 10km. “Cháu Đô” là một trong 8.000 nhân sự kỹ thuật của Viettel từ khắp cả nước, đã và đang tiếp tục được điều động về các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng nặng bởi bão số 3 như Quảng Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, v.v… để khắc phục các sự cố về trạm, đường truyền xảy ra do thiên tai.
“Yagi là siêu bão mạnh nhất đổ vào Việt Nam trong hàng chục năm nay, và để lại thiệt hại nặng nề cho hạ tầng viễn thông. Chúng tôi bị ảnh hưởng rất lớn cả về hạ tầng di động, cố định và đang tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực trên cả nước về để khắc phục trong thời gian sớm nhất để phục vụ bà con”, Đại tá Đào Xuân Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Việt Nam từ chi nhánh tại TP. Hạ Long.
Từ khôi phục mạng lưới…
Bản thân ông Vũ là một phần trong lực lượng 8.000 người Viettel đang khôi phục mạng lưới. Rạng sáng 8/9, trong khi các trạm phát sóng ở xã Mông Dương đang được các nhóm phụ trách nhà trạm khôi phục, PTGĐ Viettel cùng một nhóm kỹ thuật viên truyền dẫn đang trải qua gần 10 giờ hàn cáp liên tỉnh ở phường Hoành Bồ (TP. Hạ Long).
Các trạm phát sóng tạo thành mạng vô tuyến, kết nối với thiết bị của người dùng, còn các đường cáp tạo thành mạng lõi, kết nối giữa các trạm với nhau và kết nối tỉnh thành với tổng trạm – trái tim của mạng viễn thông. Với mạng lưới phủ trên 99% lãnh thổ, cả hai thành phần này của Viettel trở thành những mục tiêu “to” hơn, dễ bị đánh trúng bởi cơn bão.
“Nếu không có đường cáp liên tỉnh này, một số lượng lớn các trạm phát sóng ở các tỉnh như Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn sẽ có nguy cơ cao bị cô lập, làm vô hiệu hoá các nỗ lực ứng cứu thông tin bên trong mỗi tỉnh”, anh Phạm Văn Quỳnh, kỹ thuật viên nhóm hàn cáp ở phường Hoành Bồ, chia sẻ.
Đường cáp này dài khoảng 100km, các dấu hiệu kỹ thuật giúp xác định được một khoảng 25km mà trên đó cáp bị đứt, và việc của nhóm ông Vũ là tìm và nối lại 1cm bị đứt trên 25km này. Dựa vào thông tin các trạm xung quanh và tình hình sạt lở trên địa bàn, nhóm tiếp cận được vị trí cáp đứt lúc 2h sáng 8/9 sau khoảng 5 tiếng di chuyển trong mưa lũ. Việc hàn cáp thông thường mất khoảng 2 tiếng, nhưng lần này đã mất 8 tiếng vì nhóm phải đào đất, kéo cáp, hàn cáp trong điều kiện mưa lũ, sạt lở.
Những nỗ lực tương tự của gần 8.000 người, 500 đội ứng cứu thông tin đã giúp giảm gần một nửa số vị trí bị gián đoạn thông tin ngày 9/9 so với thời điểm ngay sau khi bão quét qua miền Bắc, theo thống kê của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel. Một số tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Lạng Sơn,… đã căn bản khôi phục mạng lưới.
… đến hỗ trợ khách hàng
Cùng lúc các đội kỹ thuật khắc phục sự cố mạng lưới, đội ngũ chăm sóc khách hàng Viettel tìm cách hỗ trợ các cá nhân và hộ gia đình bị gián đoạn thông tin do thiết bị đầu cuối. “Gần một ngày tôi chưa sạc được điện thoại vì mất điện, không thể gọi được cho bố mẹ xem tình hình thế nào nên rất lo vì thấy thiệt hại ở đây quá nhiều. Với tôi, trạm sạc của Viettel đúng như cứu hộ”, chị Phạm Hoàng Phương, một khách hàng tại chi nhánh TP. Hạ Long, trả lời chiều 8/9. Gần 200 điểm sạc pin ở các cửa hàng, chi nhánh Viettel các tỉnh miền Bắc đã được chuẩn bị máy nổ, nhiên liệu để sẵn sàng phục vụ khách hàng 24/24.
Tại chi nhánh Viettel xã Đông Triều (Quảng Ninh), anh Chu Văn Hiếu, cho biết: “Các anh em Viettel luôn mở cửa, chạy máy nổ để mọi người sạc các thiết bị như quạt, đèn pin, bóng đèn, điện thoại, với tôi những hỗ trợ này rất thiết thực”.
Từ chiều 7/9, thời điểm bão đổ bộ, Viettel cũng phối hợp các doanh nghiệp viễn thông khác triển khai dịch vụ chuyển vùng di động (roaming) miễn phí. Thuê bao của các mạng di động khác có thể kết nối vào hạ tầng Viettel để thực hiện gọi, nhắn tại các khu vực mà mạng di động đó bị gián đoạn thông tin và ngược lại. Quá trình roaming được thực hiện tự động, không cần bất kỳ thao tác nào từ phía khách hàng và được duy trì đến khi các nhà mạng khôi phục lại hoàn toàn mạng lưới.
Tính đến sáng ngày 9/9, tổng số thuê bao các nhà mạng khác chuyển vùng vào mạng lưới Viettel là 103.000 thuê bao, so với số lượng thuê bao Viettel chuyển vùng vào các nhà mạng khác khoảng 30.000 thuê bao, hỗ trợ người dùng từ bất kỳ mạng nào duy trì liên lạc.
Đối với những khách hàng sử dụng dịch vụ trả trước đã hết số dư được Viettel cung cấp 20.000 VNĐ, các khách hàng sử dụng dịch vụ trả sau chưa thanh toán cước vẫn tiếp tục được duy trì liên lạc. Khách hàng dùng dịch vụ cố định băng rộng bị sự cố sẽ được cho mượn thiết bị và dùng gói 0 đồng tạm thời.
“Viettel tiếp tục dốc toàn lực, con số các đội ứng cứu, các điểm hỗ trợ vẫn đang tiếp tục tăng lên nhằm khôi phục dịch vụ nhanh nhất. Chúng tôi cũng đặt ra ưu tiên với các khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi bão lũ”, ông Vũ cho biết.