Những vụ xâm hại tình dục trẻ chấn động thế giới trên phim

TPO - Hai bộ phim về đề tài xâm hại tình dục học đường dưới đây đưa ra lời cảnh tỉnh và tinh thần chiến đấu chống lại vấn nạn trên đến cùng.

Nói về vấn nạn xâm hại tình dục học đường, có lẽ nhiều người không thể quên được bộ phim “Silenced” – “Sự im lặng” (tên tiếng Hàn là “Dogani”, tên tiếng Anh khác là “The Crucible”.). Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Dogani của nhà văn Kong Ji Young, xuất bản năm 2009 và được lấy cảm hứng từ một sự kiện có thật từng xảy ra từ năm 2000 đến 2005 ở trường khiếm thính Inhwa, thành phố Gwangju, gây chấn động xã hội Hàn Quốc.

Phim có sự tham gia của tài tử nổi tiếng Goo Yoo trong vai giáo viên mỹ thuật tên Kang In Ho.

Phim kể về Kang In Ho (Gong Yoo), một giáo viên mỹ thuật biết dùng thủ ngữ vừa chuyển đến dạy ở ngôi trường dành cho trẻ câm điếc tại Mujin (một địa danh không có thật). Tại đây, In Ho đã phát hiện những bí mật khủng khiếp về việc bạo hành và lạm dụng tình dục trẻ em câm điếc, tuy nhiên điều này lại bị chính những giáo viên ở trường che giấu. Thậm chí, những người có chức trách trong trường đều có liên quan đến vụ việc. Bằng sự dũng cảm, trách nhiệm và tình thương của một người thầy, In Ho đã quyết định cùng Yoo Jin (Jung Yu Mi) - cô gái làm việc tại Trung tâm Bảo vệ Nhân quyền ở thị trấn Mujin đấu tranh đưa sự thật ra ánh sáng.

 Một trích đoạn xâm hại tình dục học đường gây phẫn nộ trong “Silenced"

Thời điểm ra mắt vào năm 2011, “Silenced” là bộ phim duy nhất ở Hàn Quốc đề cập tới vấn đề luôn gây nhức nhối trong xã hội - xâm phạm tình dục trẻ em. Và ghê rợn hơn lại là tội ác diễn ra trong môi trường giáo dục, với nạn nhân là những đứa trẻ không thể nghe, không thể nói.

Chỉ một tháng sau khi công chiếu vào ngày 22/9/2011, “Silenced” đã thu hút gần 4,4 triệu lượt xem, xấp xỉ 1/10 dân số Hàn Quốc trong đó có Tổng thống Lee Myung-bak, một số thẩm phán và công tố viên cao cấp. Ngoài ra phim còn đoạt giải âm nhạc hay nhất tại Blue Dragon Film Awards 2011, phim hay nhất tại KOFRA Film Awards Ceremony 2011, giải khán giả bầu chọn ở Undie Far East Film.

Bộ phim đã tạo nên một làn sóng chống bạo lực tình dục học đường mạnh mẽ ở Hàn Quốc tại thời điểm sau khi ra mắt (Ảnh: Internet).

Với sự quan tâm của xã hội đến bộ phim Ủy ban Chống bạo lực tình dục đã kêu gọi cộng đồng mạng tham gia ký tên yêu cầu lật lại vụ án, đòi xét xử công minh. Chỉ trong vòng 2 ngày, đã có hơn 22.000 chữ ký và ước tính lên tới 50.000 chữ ký vào ngày 20/10 cùng năm. Diễn đàn mang tên "Dogani" được lập ra vào ngày 26/9 trên trang Naver cũng thu hút hơn 14.000 thành viên tham gia yêu cầu nhà chức trách xét xử lại vụ án.

Tại Lễ trao giải Oscar 2016, bộ phim điện ảnh “Spotlight” – “Tiêu điểm” do đạo diễn Tom McCarthy chấp bút cùng biên kịch Josh Singer giành giải “Phim hay nhất tại Oscar 2016” đã thu hút sự chú ý của nhiều người bởi đề tài liên quan đến vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em.

Các diễn viên trong phim.

Phim lấy bối cảnh năm 2001, tờ “Boston Globe” đã thuê biên tập viên hàng đầu Marty Baron (Liev Schreiber) làm trưởng nhóm phóng viên nhỏ Spotlight lần theo các manh mối do Geoghan cung cấp và phát hiện ra sự thật kinh hoàng rằng trong nhiều năm, một nhóm gồm 13 linh mục đã tiến hành lạm dụng tình dục gần 90 trẻ em, tuy nhiên những linh mục này chỉ bị giáo huấn và chuyển đến một xứ đạo khác thay vì chịu trừng phạt của pháp luật. Sau khi nắm giữ các bằng chứng quan trọng, Spotlight đã sắp xếp lại các tình tiết và đăng tải loạt phóng sự điều tra trên “Boston Globe”, gây chấn động khắp nước Mỹ.

 Video: Trailer “Spotlight”

“Spotlight” được giới phê bình điện ảnh Mỹ bình chọn là phim hay nhất năm 2015 và được người xem đánh giá là câu chuyện gai góc, khắc họa chân dung của người làm báo. Đồng thời trong loạt phim đề tài xâm hại tình dục trẻ em của trang tư liệu phim IMDb, “Spotlight” được chấm điểm cao thứ nhì (8,2) sau loạt phim truyền hình “Broadchurch” (8,4 điểm).

Qua những bộ phim này, nhiều người bày tỏ theo thời gian, nỗi đau thể xác của những đứa trẻ từng bị xâm hại tình dục sẽ liền sẹo, nhưng những tổn thương về tinh thần thì chắc chắn sẽ theo chúng suốt cuộc đời. Đặc biệt, những tổn thương ấy lại càng ám ảnh hơn khi xảy ra trong chính môi trường giáo dục, nơi những đứa trẻ đáng thương coi là ngôi nhà thứ hai của mình.

“Tội lỗi của những kẻ xâm hại tình dục trẻ em có thể được tha thứ hay không xứng đáng được tha thứ, nhưng điều đó không quan trọng bởi pháp luật và tòa án lương tâm sẽ phán quyết. Điều chúng ta cần làm là dang rộng vòng tay yêu thương, luôn lắng nghe và quan tâm tới những đứa trẻ đang lớn lên trong xã hội. Đừng thờ ơ và im lặng với chúng vì đó là tội lỗi vô cùng lớn” như lời một người dùng mạng viết.