Những trường hợp đặc biệt cần nắm rõ để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm thai sản

Chế độ bảo hiểm thai sản cho người tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhằm hỗ trợ một phần tài chính cho người lao động khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ. Trong thực hiện chính sách này, có nhiều phát sinh, BHXH Việt Nam đã có những giải đáp để bạn đọc hiểu để bảo vệ quyền và lợi ích của mình.

- Có trường hợp nghỉ công ty cũ tháng 3/2023, với thời gian đóng BHXH hơn 9 năm, sau khi nghỉ thì mang thai, và xin vào làm công ty khác tiếp tục đóng BHXH từ tháng 5/2023. Quá trình mang thai, người lao động không đủ sức khoẻ làm việc nên xin nghỉ từ tháng 11/2023 và được công ty chốt sổ BHXH. Nếu tháng 1/2024, người lao động sinh con có được hưởng chế độ thai sản không, mức hưởng ra sao?

BHXH Việt Nam trả lời: Về chế độ thai sản, điều kiện là đóng BHXh từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước sinh; hoặc nữ đã đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên, khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ phải đóng đủ 3 tháng trong thời gian 12 tháng trước sinh. Trường hợp nghỉ việc trước sinh những có thời gian đóng BHXH đủ theo quy định trên vẫn được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Trường hợp cụ thể kể trên, trong 12 tháng trước sinh tính tròn trong năm 2023, đã đóng BHXH trên 6 tháng trong năm, nên vẫn được hưởng chế độ thai sản khi sinh.

Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 6 tháng (gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ tuần). Mức trợ cấp thai sản cho mỗi tháng bằng 1 tháng lương tính đóng BHXH, tháng lương tính đóng là bình quân tiền đóng BHXH của 6 tháng gần nhất trước sinh (nếu thời gian đóng BHXH không liên tục thì được cộng dồn).

Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên, từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con người mẹ được nghỉ thêm một tháng, tối đa nghỉ thêm thêm 2 tháng. Ngoài ra, lao động nữ sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh.

Ảnh minh hoạ.

- Có trường hợp đi làm và đóng BHXH được 7 tháng thì có thai, do sức khoẻ không đảm bảo nên nghỉ làm, có xác nhận của công ty. Lần đầu nộp hồ sơ thai sản họ bị trả lại, với lý do công việc không rõ ràng, công ty không có số và tên phố. Sau đó, người lao động liên hệ công ty được trả lời là lâu nay công ty vẫn làm vậy cho các lao động khác, đều không vướng mắc, nay công ty đã giải thể, người lao động nộp lại hồ sơ thai sản lần 2 với đầy đủ các lý do trên, nhưng tới nay chưa được giải quyết. Vậy trường hợp của trên phải thực hiện thủ tục ra sao, liên hệ tới đâu để được giải quyết chế độ thai sản?

BHXH Việt Nam trả lời: Căn cứ quy định hiện hành, trước khi sinh con, người lao động đã đóng BHXH đủ điều kiện nhận chế độ thai sản. Trường hợp cơ quan BHXH không giải quyết chế độ thai sản, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người lao động có thể liên hệ với cơ quan BHXH nơi nộp hồ sơ để được trả lời cụ thể. Trường hợp cơ quan BHXH trả lời không thỏa đáng, người lao động cung cấp mã số BHXH và cơ quan BHXH nơi từ chối giải quyết chế độ thai sản tới BHXH cấp tỉnh, hoặc BHXH Việt Nam qua kênh trực tuyến, tổng đài chăm sóc khách hàng của BHXH Việt Nam, ứng dụng VssID, hoặc hồ sơ giấy tới các đầu mối trên để được xem xét trả lời.

- Có trường hợp nghỉ sinh được gần 2 tháng, và muốn đi làm lại khi con tròn 2 tháng. Do chuyển công ty mới, nên phải thử việc 2 tháng nếu đi làm lại, sau thử việc mới đóng tiếp BHXH, tức thời đóng BHXH trở lại là tròn 4 tháng sau sinh (tương tự trường hợp đi làm sớm sau sinh). Đi làm như vậy có vi phạm pháp luật không, công ty tuyển dụng có bị phạt không?

BHXH Việt Nam trả lời: Theo quy định hiện hành, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 6 tháng, nếu sinh đôi từ con thứ 2 trở đi mỗi con nghỉ thêm 1 tháng (tối đa thêm 2 tháng). Luật cho phép nữ sinh con được đi làm sớm, nhưng phải nghỉ ít nhất 4 tháng, với điều kiện người lao động phải báo trước, được doanh nghiệp đồng ý, và có xác nhận đủ sức khoẻ đi làm của bệnh viện. Thời gian đi làm sớm (trước 6 tháng), người lao động vẫn được nhận chế độ thai sản, nhưng phải đóng BHXH. Trường hợp trên, người lao động cần phối hợp với công ty dự kiến xin vào làm việc để hỏi ý kiến cơ quan quản lý lao động tại địa phương để nắm chính xác.

- Có trường hợp mang thai 17 tuần, sau đó bác sĩ chỉ định phải đình chỉ thai nghén, và chỉ định 40 ngày phục hồi sức khoẻ, vậy người lao động có được nghỉ hưởng chế độ bảo hiểm trong thời gian 40 ngày đó không?

BHXH Việt Nam trả lời: Điều 33 Luật BHXH năm 2014 quy định: Khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý thì lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của bệnh viện. Thời gian nghỉ tối đa 10 ngày với thai dưới 5 tuần tuổi; tối đa 20 ngày với thai 5-13 tuần; tối đa 40 ngày nếu thai từ 13-25 tuần; tối đa 50 ngày với thai từ 25 tuần trở lên. Theo quy định, trường hợp trên, nếu phá thai 17 tuần thì được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tối đa 40 ngày kể từ ngày đình chỉ thai nghén ghi trên Giấy ra viện và được hưởng bảo hiểm.

- Xin trân trọng cảm ơn!