Mới đây Viện Nghiên cứ Quản lý Nước và Môi trường Anh (CIWEM) vừa công bố danh sách những người chiến thắng trong “Environmental Photographer of the Year” (Nhiếp ảnh gia vì môi trường năm 2016).
Đây là cuộc thi ảnh quốc tế thường niên, được tổ chức CIWEM, mang đến sân chơi tốt nhất cho các nhiếp ảnh gia môi trường, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư.
Cuộc thi hướng đến mục tiêu truyền cảm hứng cho khán giả toàn cầu suy nghĩ khác về các vấn đề xã hội và môi trường hiện đại, bao gồm phát triển bền vững, ô nhiễm và nhân quyền.
Dưới đây là danh sách những nhiếp ảnh gia và tác phẩm đoạt giải:
Giải cao nhất Nhiếp ảnh gia vì môi trường 2016 được trao cho Sara Lindström, sinh ra tại Thụy Điển và đang làm việc tại Canadian Rockies (Canada), với tác phẩm Wildfire.
Bức ảnh chụp lại một vụ cháy rừng ở miền nam Alberta, Canada vào tháng 7/2015. “Đó là một ngày ấm áp trong tháng Bảy ở miền nam Alberta khi tôi đi qua chum khói lớn màu hồng nhạt đang ngày một bốc lên bầu trời. Những ngọn lửa lớn bắt đầu từ trên đất khô, khiến tôi hoàn toàn bị thôi miên trong nỗi sợ hãi và kinh hoàng”, Lindström cho biết.
Luke Massey giành giải Nhiếp ảnh gia trẻ nhờ bức ảnh Bird's Eye View (Tầm mắt của chim, 2015), chụp về con chim ưng đậu trên ban công ở Chicago (Mỹ). Luke được ví như “người đàn ông trẻ tuổi đặc biệt”. Anh dành toàn bộ tài năng để hướng về các loài động vật hoang dã bị đe dọa.
Giải Atkins Built thuộc về phóng viên ảnh Ấn Độ SL Kumar Shanth với tác phẩm Losing Ground to Manmade Disaster (tạm dịch: Mất đất là do con người tạo ra thiên tai). Bức ảnh chụp ở Chennai, đô thị lớn nhất miền nam Ấn Độ, nói về tình trạng nước thải hóa học chưa qua xử lý đổ ra biển từ nhà máy gây hậu quả nghiêm trọng cho hệ thực vật biển và ven biển, đồng thời làm xói mòn bờ biển.
Giải Hạng mục ảnh thay đổi môi trưởng CIWEM được trao cho Sandra Hoyn với bức ảnh cảm động mang tên Life Jackets on the Greek Island of Lesbos (Những chiếc phao cứu sinh trên đảo Lesbos của Hy Lạp), chụp lại những chiếc phao cứu sinh mà người tị nạn bỏ lại sau hành trình vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang đảo Lesbos của Hy Lạp.
Pedram Yazdani thắng giải Con người, Thiên nhiên và Kinh tế của Ủy ban Lâm nghiệp Anh cùng bức ảnh Sand (cát). Bức ảnh là lời cảnh báo hồ Urmia, hồ muối lớn nhất Trung Đông, sẽ dần cạn khô do biến đổi khí hậu và tác động của con người.
Bên cạnh những tác phẩm giành giải, BTC cũng chọn ra những bức ảnh xuất sắc khác để trưng bày tại Hiệp hội Địa lý Hoàng gia ở London (Anh) từ 29/6 – 21/8/2-16.
Bức ảnh Needle of the Sea (tòa tháp của biển) của tác gia Ray Toh, chụp về tháp Burj Quatar, tòa nhà biểu tượng ở Quatar. Hình ảnh tòa tháp được bao phủ bởi sương mù buổi sáng tạo cảm giác như ngọn hải đăng trên biển.
Bức Houcheragh của nhiếp ảnh gia Pooyan Shadpoor. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ảo diệu mà tác gia được chứng kiến trong lần đi bộ dọc bờ biển Larak, Iran.
“Pollution in a foundry” (ô nhiễm tại một xưởng đúc) do Raju Ghosh chụp năm 2016. “Tôi chụp bức ảnh này trong một xưởng đúc kim loại tại Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ. Các xưởng đúc nhỏ không có biện pháp để ngăn chặn ô nhiễm không khí và các công nhân không mặc đồ bảo hộ thích hợp”, nhiếp ảnh gia cho biết.
Tác phẩm Gravel Workmen (những người thợ sỏi) của Faisal Azim. Bức ảnh chụp những người thợ làm công việc nghiền sỏi ở Chittagong, Bangladesh luôn chịu cảnh bụi và cát bám đầy người.
Nhiếp ảnh gia Sudipta Dutta Chowdhury mang đến triển lãm bức ảnh Life in Boiler (cuộc sống trong lò hơi), phản ảnh cuộc sống luôn chìm trong khói bụi, chất lượng không khí kém của người làm công ở Kashba, Kolkata, Tây Bengal, Ấn Độ.
“The worst drought in 50 years” (đợt hạn hán tồi tệ nhất 50 năm qua) do Jonathan Fontaine chụp ở Ethiopia, quốc gia đang chịu hạn hán tồi tệ nhất trong 50 năm qua do hiện tượng El Nino, vào năm 2016. Bức ảnh chụp đứa bé ngồi trên lưng lạc đà để cùng gia đình tới gần một con sông để tìm nước.
Bức Behind the Taj Mahal (phía sau Taj Mahal) của Mustafa Abdul Hadi nói về hình ảnh người đàn ông nhặt rác lúc mặt trời mọc từ phía sau Taj Mahal, lăng mộ xa hoa nổi tiếng ở Agra, Ấn Độ.