Thông tin từ đường dây nóng:

Những quán trà đá “quyền lực”

TP - Trên đường Phạm Văn Đồng - cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội có hai quán trà đá mà hầu hết các xe khách khi qua đều phải ghé vào nộp tiền theo lượt hoặc theo tháng. Điều gì đang diễn ra ở những quán trà đá “quyền lực” này?
Người đàn ông trung tuổi thu mỗi nhà xe khách 10.000 đồng/lượt

Thay nhau thu tiền hàng ngày

Đường Phạm Văn Đồng dài khoảng 5km, có lưu lượng giao thông lớn nhất thủ đô, kết nối nội thành với sân bay Nội Bài và các khu công nghiệp lớn của Hà Nội và là cửa ngõ phía Bắc của Hà Nội. Lượng xe khách từ Hà Nội đi các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc đông đúc. Do đang thi công mở rộng lòng đường và đường trên cao, phần đường mới mở cho các phương tiện di chuyển không đủ rộng nên giờ cao điểm cung đường luôn trong tình trạng ùn tắc.

Nút giao thông Hoàng Quốc Việt nối Phạm Văn Đồng, đoạn vỉa hè được xây dựng rộng khoảng 5 mét, thành điểm đón khách, trả hàng của các xe khách liên tỉnh. Đặc biệt, ngay tại số nhà 655 Phạm Văn Đồng xuất hiện hai quán cóc. Ngoài việc bán nước, bánh mì, đón khách hộ thì chủ các quán nước còn thực hiện một nhiệm vụ rất kỳ lạ: Thu 10.000 đồng/lượt xe khách đi qua.

Từ cuối tháng 10/2019, phóng viên Tiền Phong nhiều ngày thâm nhập và chứng kiến luật ngầm đằng sau mỗi chuyến xe trên cung đường này. Vào chiều mỗi ngày, hàng chục chuyến xe khách từ bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình đi các tỉnh di chuyển liên tục, tấp nập. Đây cũng là thời điểm ba người phụ nữ, một người đàn ông trung niên là chủ của hai quán cóc đứng ra thu tiền các nhà xe.

Khoảng 14h30 chiều ngày 23/10, trong vai lái xe ôm, PV vào một trong hai quán nước, hai người phụ nữ cùng một người đàn ông trung tuổi thay nhau đứng chờ. Khoảng 3 phút sau, từ xa nhà xe Đ.Đ từ Hà Nội đi Bắc Giang lăn bánh chậm sát vào vỉa hè để phụ xe chuyển 10.000 đồng cho người đàn ông trung niên. Không lâu sau đó, phụ xe khách P.N đi Phú Thọ cũng nhanh chóng chuyển 20.000 đồng cho người phụ nữ bán hàng.

Trong quá trình dừng bắt khách, một phụ xe tuyến Yên Bái tạt vào quán nước phân trần việc mình chưa đóng tiền: “Hôm nay không có khách, để vài hôm em đóng luôn một thể”. Người phụ nữ bán nước cười to rồi nói: “Không sao, mười ngày thu một lần cũng được”, rồi nhanh chóng thu tiền một nhà xe khác.

Những ngày đầu tháng 11, chúng tôi tiếp tục có mặt tại hai quán cóc và ghi nhận hiện tượng thu tiền của các đối tượng, tất cả diễn ra công khai. Buổi sáng lác đác một số xe phải đóng, nhộn nhịp nhất là từ 14h00-19h00 tối.

Bí ẩn việc nộp tiền?

Hoạt động thu tiền của nhóm người này lặp đi lặp lại hàng ngày, đúng giờ bất kể ngày nắng, ngày mưa. Khi thu tiền xong, các đối tượng lập tức gọi điện thoại cho ai đó, như để thông báo tình hình. Trong một lần cao hứng, người phụ nữ chuyên thu tiền tuyến Hà Nội đi Quảng Ninh, Yên Bái… cho chúng tôi biết: “Tiền thu không phải công bắt khách mà là gọi báo xe. Mỗi tháng các nhà xe sẽ đóng 300.000 đồng, nhưng thường cứ 10 ngày các nhà xe sẽ đóng 100.000 đồng”. Tiếp tục gặng hỏi là tiền gì, nhưng người phụ nữ này không nói, chỉ chốt lại: “Nói đến thế không hiểu thì nói nữa cũng không hiểu được”.

Một phụ xe tuyến Quảng Ninh - Hà Nội (xin giấu tên) cho biết: “Một tháng xe của tôi phải đóng 300 ngàn đồng cho các đối tượng này. Lượng xe khách ngày càng tăng, khách thì ít mà nhẩm tính mỗi tháng phải đóng các khoản tiền thì lời lãi chẳng còn bao nhiêu”. Dù cố gặng hỏi, nhưng vì một áp lực nào đó mà phụ xe không dám tiết lộ khoản tiền phải chi cho các đối tượng là tiền gì.

Việc các nhà xe chạy dừng đỗ sai quy định, đi tốc độ “rùa bò” bắt khách, đóng tiền cho nhóm người tại hai quán nước diễn ra hàng ngày tại tuyến đường luôn có nhiều lực lượng chức năng đi qua. Đặc biệt, sự việc nằm ngay sát chốt trực xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát giao thông của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội) gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nhưng không hề bị nhắc nhở, xử lý.

Việc thu tiền của hai quán được phân định rõ ràng. Quán nước bên phải số nhà 655 Phạm Văn Đồng thu tiền các nhà xe khách từ Hà Nội đi Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu… và ngược lại. Quán bên trái thu nhà xe đi Quảng Ninh, Yên Bái… Có thời điểm, sau khi thu tiền, các đối tượng sẽ chuyển cho phụ xe cốc trà đá, chiếc bánh mì ngọt, hàng hóa khách gửi. Nhưng rất nhiều lần, các nhà xe phải đóng tiền mà không nhận được bất kỳ thứ gì. Sự việc diễn ra hàng ngày, các tài xế như đã quen với điều này, đều đi chậm để phụ xe chuyển tiền cho các chủ quán trà đá.