Chị Nguyễn Thị Thuận (58 tuổi, ở xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, Kon Tum) đã có 9 năm nhận lương hưu, tháng 10 vừa qua chị mới đi nhận hơn 4,6 triệu đồng tiền lương hưu. Đây là thành quả sau 28 năm gắn bó với cây cà phê. Khi mới nhận lương hưu, mức lương của chị Thuận chỉ 3,1 triệu đồng/tháng, nay tăng thêm 1,5 triệu đồng mỗi tháng. “Số tiền này với mình tôi dư sức trang trải chi phí sinh hoạt mỗi tháng, chưa kể được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức hưởng quyền lợi lên tới 95%”, chị Thuận nói.
Đặc biệt, chồng chị Thuận cũng được nhận lương hưu 2 năm nay, mỗi tháng 6,5 triệu đồng. Cộng tiền hưu của cả 2 vợ chồng chị thì cuộc sống tuổi xế chiều cơ bản tự lo được, không phải dựa vào con cái, thậm chí thi thoảng còn cho thêm con cháu.
Còn chị Lê Thị Phương đã gắn bó với cây cao su tròn 20 năm, cũng bắt đầu được nhận lương hưu mức 3,3 triệu đồng/tháng từ đầu năm nay. Nhờ có khoản lương hưu này, cuộc sống hàng ngày của chị nhẹ nhàng hơn.
Chị Thuận, chị Phương và rất nhiều bà con ở Đăk Hà là những nông dân chính hiệu. Cuộc đời của họ gắn chặt với cây cà phê, cao su. Những nông dân ấy giờ đây có lương hưu là nhờ được tham gia BHXH từ nhiều năm trước, khi các nông trường cà phê, cao su tại địa phương này chuyển đổi theo mô hình công ty. Khi còn làm nông trường, người dân địa phương cũng chỉ là nông dân, nhưng khi sang mô hình công ty, các gia đình nhận khoán đất của công ty để tự trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê, cao su…
Công ty TNHH MTV Cà phê 734 là một trong 4 DN hoạt động theo mô hình “biến nông dân thành công nhân”, với hình thức khoán đất trồng trọt, đầu tư cây giống... Toàn công ty hiện có 608 “công nhân nông nghiệp” và chia làm 5 đội. Trong hợp đồng giữa Công ty với bà con nông dân nhận khoán, có điều kiện tiên quyết là tham gia BHXH, BHYT bắt buộc. “Đây là việc tuân thủ chính sách, pháp luật của Công ty, nhưng để triển khai trong thực tế cũng không đơn giản chút nào”, lãnh đạo Công ty 734 cho biết.
Bà con nông dân ở Đăk Hà thường phải chờ tới vụ thu hoạch mới có tiền và chia lợi nhuận với công ty theo thỏa thuận. Để đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho những người nhận khoán với công ty, công ty 734 phải tạm ứng để đóng hàng tháng, sau đó, tới mùa vụ thu hoạch, bán được sản phẩm, nông dân sẽ hoàn trả công ty.
Đặc biệt, trong 2 năm dịch bệnh COVID-19 cũng đồng thời là lúc tái canh (trồng cây mới), cả bà con nông dân và Công ty đều... hụt hơi, công ty phải vay ngân hàng nhiều tỷ đồng để đảm bảo việc tham gia BHXH, BHYT liên tục cho nông dân. “Có những thời điểm khó khăn là vậy, song từ trước đến nay, Công ty 734 không để nợ tiền tham gia BHXH, BHYT bắt buộc của bà con nông dân đang là công nhân của công ty. Nhờ vậy, rất nhiều bà con nông dân ở Đăk Hà mới có lương hưu như hiện nay...”, bà Nguyễn Thị Mỹ Sen, Phó Giám đốc BHXH huyện Đăk Hà thông tin thêm.
Có chứng kiến bà con nông dân ở Đăk Hà tới Bưu điện nhận tiền lương hưu mới thấy hết niềm vui của những người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” khi ở tuổi xế chiều. Và những “niềm vui cố định” của bà con nông dân ở mảnh đất Tây Nguyên gió ngàn này đều bắt nguồn từ mô hình “biến nông dân thành công nhân”. Dù chỉ là công nhân trên giấy tờ- vì thực chất bà con vẫn là nông dân, nhưng chính sách an sinh xã hội với 2 trụ cột chính BHXH, BHYT đều chạm được bà con một cách thành công và rất đáng được nghiên cứu nhân rộng.
Hiện, huyện Đắk Hà (Kon Tum) có 87 người là nông dân đang hưởng lương hưu nhà tham gia BHXH bắt buộc dưới màu áo công nhân nông nghiệp. Bên cạnh đó, có gần 2.000 nông dân đang làm việc cho 4 công ty cà phê trên địa bàn đang tham gia BHXH bắt buộc sau khi trở thành công nhân nông nghiệp.