Cindy Ngamba 21 tuổi, lớn lên và đi học, có bằng Đại học về Tội phạm học ở Anh, giành được 3 danh hiệu quyền anh quốc gia ở 3 hạng cân khác nhau tại Anh. Cô cũng thành viên danh dự của đội quyền anh quốc gia Anh. Tuy nhiên Ngamba không thể đại diện cho nước Anh ở Olympic Paris 2024. Đơn giản vì cô không phải công dân nước này, sau khi bị Bộ nội vụ nhiều lần bác đơn ngay cả khi có sự hỗ trợ của Hiệp hội quyền anh nước Anh.
Cho đến trước năm 2019, Ngamba vẫn bị coi là dân nhập cư trái phép ở Anh. Năm đó, cô đã bị bắt khi đang tham dự một cuộc hẹn thường lệ tại văn phòng nhập cư ở Manchester. Ngamba bị còng tay, đưa lên xe tải chở đến một trung tâm giam giữ bên ngoài London. Lúc ấy cô đã sống tại Anh được 6 năm, bao gồm 5 năm học boxing.
Chỉ đến khi một người chú tại Pháp xoay xở để hoàn thành mọi thủ tục giấy tờ mà chính quyền yêu cầu, Ngamba mới có thể ra ngoài, đồng thời được cấp quy chế tị nạn. Cô vẫn tập quyền anh với giấc mơ ngày nào đó sẽ đại diện cho nước Anh thi đấu tại Olympic. Thế nhưng ngày đó không bao giờ đến. Cuối cùng, các đồng đội giúp Ngamba nộp đơn xin gia nhập đội tị nạn của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC).
Theo thống kê, có hơn 100 triệu người trên thế giới đã rời bỏ quê hương vì các lý do khác nhau. Nhằm thể hiện tinh thần Olympic, kể từ Thế vận hội Rio 2016, nỗ lực của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã tạo nên đội Olympic Người tị nạn, cho phép các VĐV thi đấu dưới lá cờ chung của Tổ chức Tị nạn Olympic (NGO).
Số lượng VĐV của đội Olympic Người tị nạn không ngừng tăng lên sau mỗi kỳ Thế vận hội. Nếu như Rio 2016 có 10 người thì tại Tokyo 2020 nâng lên gấp ba với 30 người. Ở Paris 2024, đội có 37 người đến từ 11 quốc gia và thi đấu ở 12 môn thể thao khác nhau.
Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, trước khi tham dự Lễ khai mạc Olympic 2024 nói rằng “thể thao là biểu tượng của hy vọng và hòa bình, và đội Olympic Người tị nạn chính là ngọn hải đăng, nguồn cảm hứng cho mọi người ở khắp mọi nơi”.
Trước thềm Olympic, Ngamba cùng 36 VĐV khác đã đến trại huấn luyện ở Bayeux, Normandy (Pháp) để chuẩn bị. Tất cả đều rất nghiêm túc, bởi đua tài ở sân khấu lớn nhất hành tinh vốn là một giấc mơ với mọi VĐV, và những người tị nạn nói chung, là cơ hội để thể hiện giá trị và tiếng nói.
Farida Abaroge từng rời khỏi quê hương Ethiopia vì xung đột, hạn hán và khủng hoảng lương thực. Cô đến Sudan, sống trong một trại tị nạn Ai Cập, bị giam giữ ở Libya và cuối cùng đến Pháp vào năm 2017, nơi cô được cấp quyền tị nạn. Abaroge kiếm được công việc đóng gói bưu kiện trong một nhà kho ở Strasbourg, sau đó được các nhân viên từ thiện khơi dậy đam mê thể thao.
“Họ hỏi tôi về sở thích, tôi nói đến thể thao. Họ đã đưa tôi đến một cửa hàng cho chọn giày và quần áo, rồi tôi bắt đầu chạy bộ”, Abaroge nói. Cô sẽ tham gia nội dung 1500m tại Olympic 2024 sau khi được công ty cho phép nghỉ phép không lương hai tháng, với sự hỗ trợ từ IOC.
Trong tổng ngân sách khoảng 100 triệu đô la tài trợ cho hàng nghìn VĐV trên khắp thế giới, quỹ Đoàn kết Olympic của IOC đã dành riêng 3 triệu từ năm 2016 đến năm 2021 cho 56 VĐV tị nạn. Họ tìm kiếm đã tạo điều kiện để những tài năng được phát huy ở Thế vận hội.
Thành thực mà nói, rất ít cơ hội để các thành viên của đội Olympic Người tị nạn giành huy chương Olympic. Họ không có đủ thời gian cũng như điều kiện tập luyện như các VĐV ưu tú thuộc các đoàn thể thao khác. Tuy nhiên, riêng việc có mặt ở Thế vận hội đã là một chiến tích lớn với tất cả.
“Tôi sẽ không nói dối. Tôi đã hơi xấu hổ khi nhận tư cách tị nạn”, Ngamba nói với Guardian, “Nhưng rồi theo thời gian, tôi nhận ra có rất nhiều người đang chạy trốn chiến tranh, giết chóc, sau đó làm việc quần quật với hy vọng một ngày nào đó họ sẽ được chú ý. Tôi là một trong số ít được trao cơ hội, và tôi phải tận dụng tối đa cơ hội đó.
Tôi đang ở trong gia đình của mình, là đội Olympic Người tị nạn. Tôi hy vọng người tị nạn có thể nhìn vào chúng tôi, tìm thấy động lực để cố gắng và đạt được những gì họ có thể”.
Điều này cũng tương tự mục đích mà IOC hướng tới, như Chủ tịch Thomas Bach nói, “chúng tôi muốn gửi thông điệp hy vọng đến tất cả những người tị nạn trên thế giới nhờ vào sự bền bỉ, lòng dũng cảm cùng tinh thần vươn lên từ nghịch cảnh”.
“Thể thao mang lại sự giải thoát khỏi những lo lắng hàng ngày và những khoảnh khắc tận hưởng. Nó còn có thể chữa lành cả về thể xác và tinh thần, giúp những người tị nạn trở thành một phần của cộng đồng một lần nữa”, Filippo Grandi, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn.