Gần 500 đại biểu, trong đó có nhiều nhân chứng lịch sử, những người từng tham gia chiến dịch Mậu Thân đã cùng ôn lại những bài học lịch sử.
Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành cho biết: “Đây là lần đầu tiên Bộ Công an phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học đánh giá đóng góp toàn diện của lực lượng công an trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Ban tổ chức hội thảo đã nhận được 107 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy TPHCM, các cơ quan thuộc Bộ Công an, các học viện, viện nghiên cứu và nhân chứng lịch sử…”.
Thạc sĩ Trần Trung Hiếu, giảng viên lịch sử Trường chuyên Phan Bội Châu được mời tham gia hội thảo phấn khởi nói với phóng viên: “Tôi được mời viết bài tham gia hội thảo và thấy đây là đề tài mới, thú vị hấp dẫn. Lực lượng công an đã đóng góp thầm lặng vào nhiều chiến công. Việc ghi nhận, đúc rút những bài học kinh nghiệm sau nửa thế kỷ sự kiện đã đi qua là điều cần thiết cho thế hệ trẻ và cho các nhà nghiên cứu hôm nay”.
Trong tham luận gửi tham dự hội thảo, Thượng tướng, GS.TS Tô Lâm (Bộ trưởng Bộ Công an) viết: “Từ năm 1965-1968, Bộ Công an chi viện gần 2.000 cán bộ chiến sĩ ưu tú cho an ninh miền Nam. Riêng năm 1968 chi viện 788 cán bộ chiến sĩ cho các chiến trường”, “Qua 3 đợt Tổng tiến công và nội dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng Công an nhân dân mà trực tiếp là lực lượng An ninh miền Nam đã góp phần to lớn vào thắng lợi chung của quân dân cả nước, giáng một đòn chí tử vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh trúng vào hệ thần kinh trung ương của bộ máy chính quyền Sài Gòn, làm rung động dư luận quốc tế và chính giới Hoa Kỳ”.
Thượng tướng, PGS.TS Bùi Văn Nam (Thứ trưởng Bộ Công an) trong tham luận cũng cho biết, ngành công an xem tổng tiến công và nổi dậy là dịp để phát triển mạnh mạng lưới của mình, rèn giũa lực lượng. Tư tưởng chỉ đạo là phải tích cực và chủ động trong mọi hoàn cảnh: “Ngày 16/3/1968, Ban An ninh trung ương Cục ra chỉ thị số 150/CT, trong đó nêu rõ: an ninh phải chủ động tấn công địch trong mọi tình huống, chủ động thu thập tin tức chiến lược, tích cực phát triển cơ sở điệp báo, phối hợp với các lực lượng khác tiêu diệt địch”.
Chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 đã đi qua 50 năm nhưng bài học về công tác an ninh trong thực tiễn chiến đấu vẫn còn nóng hổi. Một số đại biểu từ các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh… cho biết, khi Tổng tiến công và nổi dậy diễn ra, nhiều cơ sở của chúng ta bị lộ, dẫn đến việc sau đó nhiều cơ sở bị địch khủng bố, tuy vậy ở nhiều nơi, nhiều địa bàn, việc bảo mật cho các cơ sở an ninh được làm rất tốt. Thiếu tướng Đỗ Lê Chi cho biết: “Riêng ở địa bàn Trị - Thiên – Huế, do bám sát sự chỉ đạo của Bộ Công an với việc giữ gìn bí mật cho cán bộ cơ sở trong lòng địch nên trong suốt thời gian Tổng tiến công và nổi dậy T65 đã đảm bảo bí mật, an toàn các mạng lưới bí mật. Nhờ vậy, sau Tổng tiến công, T65 đã tiếp tục phát huy được mạng lưới bí mật trước đây, đồng thời xây dựng và bố trí thêm nhiều cơ sở mới phục vụ công tác thu tin, nắm tình hình địch cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng”.