Những ngày 'vừa chạy vừa xếp hàng' - Bài 2: Bứt phá để phát triển

TP - Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt trên 8% nhằm “tăng tốc, bứt phá, về đích” trong năm cuối nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Trước yêu cầu cao của sự phát triển, trao đổi với Tiền Phong, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), cùng với Bộ Tài chính thực hiện quyết liệt, nhanh gọn, hiệu quả việc tinh gọn bộ máy nhưng vẫn đảm bảo hoạt động chỉ đạo, điều hành bình thường không để ảnh hưởng đến nhiệm vụ được giao.

Kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho

Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Bộ KH&ĐT sẽ được hợp nhất với Bộ Tài chính. Do đó, khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy không thể tránh khỏi những tâm tư, tình cảm, băn khoăn, lo lắng… Tuy vậy, trước yêu cầu của sự phát triển, gác lại những tâm tư, các cán bộ, nhân viên ở Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính đang nỗ lực “vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, vừa khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, việc tinh gọn bộ máy không ảnh hưởng gì đến phân bổ vốn đầu tư công năm 2025.

Theo định hướng, năm 2025 được Chính phủ xác định là năm “tăng tốc, bứt phá, về đích”, với mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 8%. Đây là mục tiêu tăng trưởng rất cao so với các năm trước, nên yêu cầu đặt ra đối với Bộ KH&ĐT là phải đề xuất các giải pháp nhằm tạo ra đột phá cho sự phát triển.

Để thực hiện nhiệm vụ này, lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết, ngay từ trung tuần tháng 12 đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trình Chính phủ trong phiên họp cuối năm (dự kiến tổ chức vào đầu tháng 1/2025). Mục tiêu trọng tâm của kế hoạch là khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, quyết tâm đổi mới, đột phá, sáng tạo, chủ động, dám nghĩ, dám làm để tăng tốc, bứt phá, đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8%.

Về bố trí phân bổ vốn đầu tư công 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ KH&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội và đã được Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp thứ 8 vừa qua. “Hiện Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính quyết định giao kế hoạch đầu tư công 2025, dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các tỉnh, bộ, ngành. Vì vậy, có thể nói việc tinh giản bộ máy không ảnh hưởng gì đến phân bổ vốn đầu tư công năm 2025. Việc này đã được Bộ KH&ĐT thực hiện chủ động kịp thời theo quy định của pháp luật”, ông Phớc nói.

Hồi đầu tháng 12, khi trả lời câu hỏi của Tiền Phong tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ về mục tiêu phấn đấu tăng trưởng hơn 8% so với năm 2025 liệu có quá sức không? Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương bày tỏ tự tin và sự lạc quan về cơ hội thực hiện. Lý do được ông Phương nêu ra là sự xuất hiện của nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, nhất là về thể chế - khi tại kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội khóa XV thông qua nhiều dự án luật (một luật sửa nhiều luật với tư duy mới, thông thoáng và cải cách thủ tục hành chính). “Đây chính là điểm có thể kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực vốn bị ách tắc lâu nay, từ đó đóng góp cho tăng trưởng từ năm 2025”, ông Phương nói. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đồng thời khẳng định, mức tăng trưởng phấn đấu 8% chính là bước để đất nước sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trong dự thảo Nghị quyết được Bộ KH&ĐT xây dựng, thể chế là nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên được nêu ra. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác xây dựng pháp luật, gắn kết chặt chẽ với thi hành pháp luật. Trung ương, Chính phủ, Quốc hội giữ vai trò kiến tạo, hoàn thiện cơ chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát và trách nhiệm giải trình; không để đùn đẩy trách nhiệm, kiên quyết xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Cùng với đó, dự thảo nghị quyết đề nghị đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, liên kết vùng, liên kết quốc gia, có sức lan tỏa, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, Bộ KH&ĐT kiến nghị đổi mới, nâng cao vai trò công tác giám sát, đánh giá trong hoạt động quản lý đầu tư theo hướng giảm các hoạt động tiền kiểm và tăng cường hậu kiểm…

Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tổng số đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính trước khi sắp xếp là 56 đầu mối (mỗi bộ 28 đầu mối), gồm 47 đầu mối hành chính (6 tổng cục, 14 cục, 27 vụ, văn phòng, thanh tra), 9 đơn vị sự nghiệp công lập. Sau khi sắp xếp lại hai bộ thành Bộ Kinh tế, Tài chính sẽ có 35 đầu mối, trong đó có 34 đầu mối được sắp xếp từ hợp nhất hai bộ (17 cục, 13 vụ, văn phòng, thanh tra, 4 đơn vị sự nghiệp công lập) và thêm 1 đầu mối là đơn vị sự nghiệp công lập do sáp nhập Bảo hiểm xã hội Việt Nam vào. Theo đó, giảm tổng số 22/56 đầu mối.

Giải bài toán thu, chi ngân sách

Cùng trong cảnh “vừa chạy vừa xếp hàng”, Bộ Tài chính phải giải quyết hàng loạt công việc, từ định hướng hợp nhất với Bộ KH&ĐT, cho đến việc sắp xếp lại mô hình các tổng cục, cũng như xây dựng kế hoạch về thu chi ngân sách năm 2025. Trong bối cảnh, hàng loạt dự án lớn đang được triển khai, cộng với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vừa được Quốc hội thông qua; việc thực hiện chế độ chính sách vượt trội đối với cán bộ, công chức khi sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, áp lực cân đối ngân sách “đè nặng” đối với Bộ Tài chính.

Trước “núi” công việc này, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, từ đầu tháng 12 đã có chỉ thị yêu cầu các cán bộ, nhân viên trong toàn ngành xây dựng tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tránh xáo trộn, gây ách tắc và ảnh hưởng đến triển khai nhiệm vụ được giao.

Theo định hướng của Chính phủ, Bộ KH&ĐT sẽ hợp nhất với Bộ Tài chính thành bộ mới.

Tại hội nghị tổng kết ngành thuế mới đây, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ, việc tinh giản bộ máy để đạt mục tiêu vận hành hiệu quả, hướng tới “một việc chỉ một cơ quan làm, một cơ quan làm nhiều việc, không giẫm chân nhau”. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, hiện nay, chi thường xuyên của Việt Nam đang chiếm gần 70% tổng chi ngân sách Nhà nước, chỉ còn hơn 30% cho đầu tư phát triển, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Vậy nên, theo ông Thắng, tinh gọn tổ chức bộ máy được cho là quyết sách để Việt Nam có thể bước vào kỷ nguyên mới, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt hai con số trở lên trong nhiệm kỳ tới (2026-2030).

Một nhiệm vụ quan trọng khác đang được Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện là tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tân Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết, việc kiểm kê tài sản công sẽ được thực hiện từ ngày 1/1/2025. Bộ Tài chính đã ban hành văn bản hướng dẫn về xử lý tài sản của các cơ quan, đơn vị khi thực hiện sắp xếp lại và tinh gọn bộ máy. Theo đó, các đơn vị phải thực hiện kiểm kê lại toàn bộ tài sản của đơn vị cũ, đến khi đề án được phê duyệt thì chuyển các tài sản đó sang đơn vị mới…

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang báo cáo với Thủ tướng để có chỉ đạo đối với các đơn vị thuộc diện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy thì vẫn phải thực hiện nhiệm vụ kiểm kê. “Đến lúc triển khai thực hiện các đề án được phê duyệt, các đơn vị cũ có trách nhiệm bàn giao cho đơn vị mới những công việc đã và đang thực hiện để đơn vị mới tiếp nhận và tiếp tục công việc”, ông Thịnh cho biết thêm.