Ngày 13/4, PGS.TS.BS Nguyễn Văn Ân, Trưởng khoa Niệu học chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, thời gian qua tại đây đã tiếp nhận và điều trị cho nhiều trường hợp bị phì đại tuyến tiền liệt có diễn tiến nặng.
Trường hợp cụ thể là ông Hoàng Trọng T. (60 tuổi, ngụ tại TPHCM) đến thăm khám do bị đau bụng dưới, tiểu khó và tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm. Bác sĩ đã thực hiện siêu âm, khám trực tràng, xét nghiệm máu cho người bệnh. Kết quả thăm khám cho thấy, ông T. bị phì đại tuyến tiền liệt.
Khai thác bệnh sử của bác sĩ từ người bệnh ghi nhận, hơn 1 năm trước ông đã mắc các triệu chứng són tiểu, tiểu đêm. Tuy nhiên, do chủ quan ông không đi thăm khám dẫn đến bệnh không được phát hiện từ sớm, khiến các triệu chứng ngày một nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Sau chẩn đoán, bệnh nhân đã được sử dụng thuốc điều trị nội khoa tích cực, sức khỏe đang bình phục tốt.
Phân tích chuyên môn của PGS Nguyễn Văn Ân chỉ ra, tuyến tiền liệt là cơ quan sinh dục của nam giới, nằm ở vị trí cổ bàng quang và đoạn đầu niệu đạo có nhiệm vụ tiết ra tinh dịch. Nam giới trên 40 tuổi thường bắt đầu phì đại tuyến tiền liệt, đây là một trong những nguyên nhân sinh ra hội chứng đường tiểu dưới.
Các thống kê cho thấy, 25% nam giới từ 50 - 60 tuổi sẽ bị phì đại tuyến tiền liệt nhưng chỉ 4% xuất hiện triệu chứng. Càng lớn tuổi, tỷ lệ phì đại tuyến tiền liệt càng cao và tỷ lệ có triệu chứng càng nhiều. Tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép làm hẹp niệu đạo, nước tiểu còn tồn dư gây kích thích bàng quang dẫn đến buồn tiểu nhiều lần cả ngày và đêm.
Vì vậy nam giới từ 50 tuổi nếu có triệu chứng rối loạn tiểu nên đi khám và thực hiện siêu âm bụng, khảo sát hệ tiết niệu và tuyến tiền liệt nhằm phát hiện kịp thời nguyên nhân gây ra triệu chứng và điều trị sớm, tránh những biến chứng viêm đường tiết niệu, tổn thương thận và bàng quang có thể xảy ra.