Kim đồng hồ chỉ 17h30 ngày 9/7. Trên đường tập công viên Hòa Bình (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hơi nóng bốc lên từ mặt đường hầm hập. Mặt trời vẫn chói chang. Bỗng có tiếng kêu: "Có người ngất, có người ngất". Các chiến sĩ nam làm nhiệm vụ phục vụ tập luyện vác cáng chạy băng qua đường tập. Một, hai, rồi 3 chiến sĩ nữ thuộc khối nữ sĩ quan Cảnh sát giao thông (CSGT) lần lượt được khiêng bằng cáng, chở bằng xe máy từ đường tập về khu lán trại chăm sóc y tế.
Vừa cho bệnh nhân thở ôxy, bác sĩ vừa hô to một điệp khúc quen thuộc: "Hít sâu, thở đều, mở mắt, há miệng ra…". Xung quanh, các y tá, chiến sĩ mỗi người một việc, người kéo chân, người xoa bóp tay, người dùng khăn ướt lau mặt cho bệnh nhân. Lán trại giống như một bệnh viện dã chiến với những dãy giường bạt, bình ôxy, chai truyền lủng lẳng. Tiếng còi báo giờ tập kết thúc vang lên.
Từ các hàng quân, những cô gái trong sắc phục sĩ quan CSGT, Cảnh sát đặc nhiệm (CSĐN) ùa vào lán hỏi thăm đồng đội. Mồ hôi đầm đìa trên những gương mặt trẻ măng xạm đen vì nắng… Mới bước được nửa chặng đường tập luyện. Nhưng dự báo thời tiết sẽ còn rất nhiều những ngày "Hà Nội ngày nắng đêm không mưa" ở phía trước…
Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn phó Đoàn nghi lễ CAND, giáo viên trưởng các khối tham gia diễu binh - Bộ Công an, phụ trách kỹ thuật huấn luyện tại Cụm huấn luyện số 1 cho biết, đây là năm lực lượng CAND tham gia tập luyện phục vụ Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 với quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 15 khối chia làm 3 cụm huấn luyện.
Tại Cụm huấn luyện số 1 (tổ chức huấn luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ K20 cơ sở 1 và công viên Hòa Bình) có 6 khối, trong đó có 2 khối đi nữ sĩ quan CSGT và nữ chiến sĩ CSĐN với tổng số 400 nữ chiến sĩ tham gia. Đây là số học viên được tuyển chọn từ các trường trung cấp, cao đẳng và đại học CAND, trong độ tuổi từ 19 đến 22.
Thượng tá Dũng tâm sự, gần 30 năm trong công tác huấn luyện nhưng chưa năm nào, các thầy giáo và học viên phải trải qua một mùa tập luyện dưới thời tiết khắc nghiệt như năm nay. "Đợt nắng nóng kỷ lục trước, số học viên nữ bị ngất liên tục, nhiều em phải nhập viện điều trị dài ngày. Nhưng tinh thần tập luyện chăm chỉ, nghiêm túc của học viên nữ thì nam giới cũng phải khâm phục. Các em thật sự là những bông hoa thép!" - vị giáo viên trưởng bày tỏ.
Một trong những bông hoa thép khiến các thầy giáo và học viên hết sức mến mộ là Nguyễn Ngọc Ánh (SN 1996), học viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Cảnh sát. Gương mặt hiền lành, nụ cười bẽn lẽn, Ánh bảo ngất 5-6 lần rồi nên bây giờ chẳng ngại nắng nữa. Nhưng các thầy giáo đã thuộc lòng tên của Ánh, không chỉ bởi em là học viên bị ngất nhiều, mà còn bởi ý chí tập luyện sắt đá của cô học trò mới 19 tuổi này.
Trung tướng Đỗ Đức Kính, Chính ủy CSCĐ thăm, động viên các chiến sĩ bị ốm trong quá trình tập luyện.
Thượng tá Phạm Anh Lê, Chỉ huy Khối nữ sĩ quan CSGT kể, có hôm thấy Ánh còn mệt, thầy yêu cầu ở nhà nghỉ ngơi cho khỏe hẳn nhưng Ánh không chịu. Em nhất quyết xin thầy cho ra sân tập vì sợ không theo kịp các bạn. Mỗi lần choáng ngất, khi tỉnh táo trở lại, Ánh lại lao ra sân tập, nhập vào hàng quân... "Bố mẹ thỉnh thoảng gọi điện thoại động viên, dặn em cố gắng tập luyện thật tốt. Bố em bảo, con là niềm vinh dự, tự hào của cả nhà ta đấy. Vì vậy em không thể rời đội ngũ được" - đôi mắt cô gái trẻ rực sáng.
Đặng Thị Hương Quỳnh (SN 1994), học viên năm thứ 3 Học viện Cảnh sát, Khối trưởng Khối đi nữ sĩ quan CSGT có biệt danh "Quỳnh kều" bởi chiều cao 1m72 và đôi chân dài miên man. Gương mặt đẹp sắc sảo của con gái đất cảng Hải Phòng giờ đây chỉ còn nhận ra… nụ cười tươi với hàm răng trắng đều nổi bật trên làn da cháy nắng màu chocolate.
Quỳnh kể, tuần đầu tập luyện, hôm nào em cũng rất chăm xoa kem chống nắng. Bình thường chỉ cần rửa mặt xong là da trắng trở lại. Nhưng hôm đó, rửa mãi mà mặt vẫn đen nhẻm. Soi gương, Quỳnh mới phát hiện ra trên khuôn mặt mình in nguyên hình dây quai mũ. Gọi Face time cho bố mẹ ở Hải Phòng, cả nhà cứ nghĩ Quỳnh mới nhuộm da nâu. Một thoáng xấu hổ rất con gái, Quỳnh đưa tay ôm mặt bảo, bây giờ các bạn không gọi là "Quỳnh kều" nữa mà đặt cho biệt danh mới "trắng toàn răng". Các thầy thì ví khối trưởng "trắng như châu Phi".
Quỳnh tâm sự, 2 năm trước, mùa hè nào em cũng tham gia tiếp sức mùa thi nên không ngại nắng. Vất vả cũng quen, nhưng hè năm nay vất vả hơn gấp bội. Trải qua 2 đợt nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ trên sân tập thực tế có hôm lên đến 450C, cảm thấy mọi ngưỡng của sự mệt mỏi, sức chịu đựng từ trước đến nay không là gì. Khối trưởng có làn da "châu Phi" khiến các bạn ngưỡng mộ khi đặt ra slogan đầy quyết tâm: "Không làm thì thôi, đã làm thì phải cho ra môn ra khoai".
Khối trưởng Phạm Kim Phượng có khuôn mặt baby, đôi mắt to tròn trong veo rất dễ thương. Làn da trắng mịn của con gái Lào Cai hôm nào đã chuyển sang màu đỏ, rồi rám đen. Giờ giải lao, nghe thầy giới thiệu là hoa khôi của Trường cao đẳng Cảnh sát, cô gái 19 tuổi phụng phịu: "Bây giờ thì xấu rồi thầy ạ, không dám soi gương nữa".
Phượng tâm sự, mặc dù đã tham gia tập luyện trong lễ khai giảng của trường nhưng khi ra thao trường lần này, mọi sự tập luyện khắc nghiệt hơn gấp ngàn lần. Vất vả, gian khổ nhưng Phượng cho biết rất vinh dự và tự hào khi được tham gia một sự kiện mang tầm cỡ quốc gia. Niềm vinh dự một lần trong đời, không phải ai cũng có cơ hội.
Mỗi ngày tập luyện đều được cô gái trẻ ghi vào nhật ký: "Khởi đầu buổi sáng tháng 7 là cái nắng gay gắt. Chúng tôi lên xe cho cuộc hành trình mới, cuộc hành trình của những ngày hợp khối dưới cái nắng đến 430C ở công viên Hòa Bình. Tôi cảm tưởng ở đây, công viên đang ôm trọn hết cái nắng Hà Nội. Không có bóng cây, tôi và các bạn, những chiến sĩ đang cố gắng nỗ lực từng ngày, từng giờ, từng phút tập luyện.
Giờ tập đầu tiên một số bạn ngất đi vì nắng gắt. Giờ thứ hai, các bạn ngất nhiều hơn. Giờ thứ ba, có bạn ngất đi, lên cơn giật vì thiếu canxi. Một số bạn khóc nấc lên vì chân bị rút cơ, đau nhức các ngón chân. Lúc đó mắt tôi nhòe đi, thương lắm! Buổi sáng kết thúc, xe lại đón chúng tôi về. Trên đường về, một số bạn trên xe do mệt quá, khó thở phải đưa vào Bệnh viện 19-8. Cái nắng quá gắt, dưới vành mũ, trán ai nấy đều đỏ hằn lên, bỏng rát, hai má cháy nắng. Mồ hôi thấm ướt áo vest trang phục thu đông CSGT. Chúng tôi chỉ biết nắm tay nhau để cùng vượt qua những ngày thời tiết khắc nghiệt này...".
Ngồi trong lán trại ngắm các bạn tập với một bên chân quấn băng trắng toát, Tô Ngọc Quỳnh Hoa (SN 1995), sinh viên Học viện An ninh nhân dân thở dài sườn sượt. Hoa cho biết em được giao nhiệm vụ vác cờ trong tổ cờ. Bị chấn thương kỹ thuật phải nghỉ một tuần nay, Hoa như đứng ngồi trên đống lửa. Gần 2 tháng tập luyện đã thuần thục, giờ phải ngồi một chỗ thế này trong khi các bạn ngày nào cũng đổ mồ hôi trên thao trường, Hoa chỉ mong nhanh bình phục để trở lại vị trí. Mặc dù được nghỉ ở nhà nhưng ngày nào Hoa cũng lên xe cùng các bạn ra thao trường. Vừa động viên bạn, vừa tranh thủ tiếp thu việc sửa động tác của các thầy.
"Ngày mai là buổi kiểm tra cùng lực lượng quân đội ở Miếu Môn. Chân vẫn còn đau nhưng em xin các thầy tham gia buổi kiểm tra. Tất cả vì màu cờ sắc áo chị ạ" - Hoa quả quyết.
Nhiều nữ chiến sĩ ngất trên thao trường vào những ngày nắng nóng.
Trung tá Đặng Hồng Tinh, Chỉ huy khối đi nữ chiến sĩ CSĐN cho biết, so với khối đi nữ CSĐN, Khối đi nữ sĩ quan CSGT vất vả hơn do thêm động tác đánh tay. Để có đội hình đạt tiêu chuẩn "Đều - Đẹp - Đúng", ngoài tập luyện ban ngày, Khối nữ CSGT phải tập thêm 3 tối/tuần. Thực tế, quãng đường từ nơi tập kết đến khu vực Quảng trường Ba Đình, nơi diễn ra Lễ diễu binh, diễu hành dài khoảng 5 cây số, đoạn đường đi nghiêm khoảng 200m. Nhưng khi tập luyện, để thuần thục động tác và tăng sức bền, quãng đường này đều được tăng gấp đôi. Tính ra, quãng đường tập luyện của mỗi chiến sĩ lên đến hơn chục cây số/ngày.
Ngoài choáng ngất thì rất nhiều em bị chấn thương kỹ thuật, sưng phồng các khớp cổ chân, phải băng bó hoặc nghỉ tập. Con gái thì hay khóc nên các thầy cũng phải có phương pháp huấn luyện phù hợp để động viên, khích lệ tinh thần các em. Thương lắm nhưng vẫn phải nghiêm khắc trong tập luyện.
Thượng tá Phan Công Côn, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ - Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thông tin, những ngày qua, đội ngũ giáo viên và học viên tham gia tập luyện luôn nhận được sự quan tâm, thăm hỏi, động viên của các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Ban chỉ đạo diễu binh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh CSCĐ, các trường có học viên tham gia và các tổng cục, vụ, cục nghiệp vụ. Đặc biệt với khối nữ đã được các đồng chí lãnh đạo tạo điều kiện tối đa các điều kiện sinh hoạt.
Để đảm bảo sức khỏe cho học viên, căn cứ vào thời tiết từng ngày, giáo viên sẽ bố trí thời điểm tập luyện phù hợp, có thể sớm hơn vào buổi sáng và muộn hơn vào buổi chiều. Do khối đi nữ là học viên được tuyển chọn từ các trường, lần đầu tham gia tập luyện "nặng" như vậy nên công tác huấn luyện cũng gặp không ít khó khăn. Phải uốn nắn, căn chỉnh cho các em từng động tác. Phương châm huấn luyện đặt ra là từ đơn giản đến phức tạp, từ ít đến nhiều, từ thấp lên cao… để nâng dần thể lực cho các em thích nghi.
Chỉ trong hơn 2 tiếng đồng hồ có mặt trên thao trường cùng 400 học viên nữ dưới trời nắng nóng, chúng tôi đã cảm thấy kiệt sức. Vậy mà ròng rã trong gần 2 tháng qua, dưới sự hướng dẫn, chỉ bảo nghiêm khắc nhưng tận tình của các giáo viên Bộ Tư lệnh CSCĐ, những cô sinh viên mười chín đôi mươi hôm nào đã trở thành những chiến sĩ rắn rỏi, vững vàng trên thao trường khắc nghiệt. Đó chỉ có thể là những ý chí sắt đá, quyết tâm cho một ngày Lễ diễu binh, diễu hành thành công rực rỡ, mừng ngày Quốc khánh của non sông.
"Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân không thấm đau vì những mũi gai…" - Khối trưởng Phạm Kim Phượng đã viết như vậy trong nhật ký tập luyện. Nhìn những gương mặt thiếu nữ xạm đen dưới ánh mặt trời thiêu đốt, bất chợt tôi nhớ đến hình ảnh nữ kình ngư Ánh Viên, "biểu tượng" của ý chí, nghị lực và khát vọng của tuổi trẻ. Sự khổ luyện, lao động nghiêm túc đã làm nên một nữ kình ngư vàng mười của thể thao Việt Nam. Thì đây, trên thao trường tập luyện hôm nay, chất thép của người chiến sĩ CAND đã tôi luyện nên những bông hoa thép căng tràn nhựa sống. Phía sau những giọt mồ hôi đổ trên thao trường, là bản lĩnh vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách của nữ chiến sĩ CAND. Như những bông hướng dương, tuổi 20 luôn hướng về phía trước!