> Lại xuất hiện clip nữ sinh đánh nhau, lột áo
> Những chiêu nhảm nhí để được nổi tiếng
Lẽ nào các bạn lại tự làm xấu hình ảnh năng động, hội nhập nhanh và thông minh của 9X Việt?
Anh Jon, người Đức, trọ học cùng mình tại Hà Nội, cho rằng 9X ở Đức cũng có những hình ảnh xấu xí vậy thôi. Jon nghĩ thế hệ 9X ở Việt Nam thật may mắn khi không biết chiến tranh, chưa trải qua cảnh thiếu ăn…
Tuy nhiên, điều không tốt là họ chịu sức ép về học hành và lựa chọn nghề rất lớn từ gia đình.
Điều đó làm họ luôn luôn ở trong trạng thái căng thẳng. Mình thấy dường như nhiều người Việt muốn phô trương và coi trọng tấm bằng đại học. Ở Đức không như thế.
Ở Việt Nam, con cái thường phụ thuộc bố mẹ, ít độc lập. Ở Đức, từ khoảng 14 - 15 tuổi bắt đầu độc lập: Đi chơi khi muốn, có bạn khác giới và tự chọn nghề, ngành học.
Lúc 18 tuổi, nhiều người ra khỏi nhà bố mẹ và thuê nhà ở cùng bạn bè. Trong trường học ở Đức, các hoạt động ngoại khóa quan trọng hơn: thứ ba đá bóng, thứ năm học piano, thứ sáu tham gia nghị viện học sinh.
Kết quả là ở Đức trường học là một phần cuộc sống của những năm tháng thiếu niên, còn ở Việt Nam dường như khi đến trường chỉ có học và học.
Tuy nhiên, như mình biết có nhiều bạn vì bị ép học mà lười học, thích đi chơi, say mê ngôi sao Hàn Quốc hơn làm toán và tìm hiểu về lịch sử đất nước.
Tại Đức cũng có nhiều người trẻ khóc ngất vì ca sĩ đẹp trai nhưng quên cũng nhanh vì có nhiều hoạt động khác cuốn hút họ.
Thời trang của 9X Việt cũng rất lạ. Nhiều bạn gái mặc quần áo quá ngắn, đi giày quá cao và trang điểm quá đậm làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên.
Tại Đức và nhiều nước châu Âu, từ Văn hóa Pop và phong trào Hippy, các bạn trẻ ăn mặc, có lối sống khá thoáng, nhưng không hiểu sao mình vẫn choáng với nhiều 9X ở Việt Nam.
Mỗi khi xem video trên mạng về những vụ con gái đánh nhau, mình sợ luôn. Video quay cảnh nhóm con gái đánh một bạn gái và lột hết quần áo, cắt tóc bạn ấy.
Lúc đó, mình thực sự bị sốc, không biết nên nghĩ gì nữa. Mình đem chuyện này hỏi nhiều người và được lý giải rằng một số 9X nghĩ khi làm như thế sẽ trở nên sành điệu, mạnh mẽ hơn và muốn trở thành hot girl trong mắt mọi người.
Một suy nghĩ lệch lạc, a dua. Họ không quan tâm việc làm đó đúng hay sai, có trái với các quy tắc về chuẩn mực đạo đức với một bạn gái hay không và có phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam không?
Ở Đức, chúng mình gọi vấn đề này là “happy slapping", ám chỉ những hành động bạo lực được ghi bằng điện thoại và tung lên mạng. Điều này cũng phổ biến ở Đức. Có học sinh bị trầm uất vì bị "happy slapped".
Tệ hơn, không chỉ học sinh mà nạn nhân có cả giáo viên. Mình nghĩ liều thuốc hữu hiệu nhất cho căn bệnh này là bố mẹ phải quan tâm con cái nhiều hơn, không tạo áp lực lớn về học hành.
Nhà trường cũng phải thay đổi cách giáo dục học sinh và tạo ra nhiều hoạt động xã hội để hướng họ tới những điều tốt đẹp hơn. Còn bạn sẽ làm gì?