Nhổ răng cũng cần phải chọn thời điểm

Nhổ răng không đúng thời điểm hoặc có bệnh mà vẫn nhổ sẽ làm cho các biến chứng bệnh nặng thêm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Ảnh minh họa: Internet

Ngay từ nhỏ, chị Thu Lan (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vốn rất sợ đi viện và đụng tới dao kéo. Cũng may, nhờ sức khỏe tốt nên chị cũng ít khi ốm đau. Tuy nhiên, dù vệ sinh răng miệng khá sạch sẽ, nhưng không hiểu vì sao răng hàm của chị cứ bị sâu hết cái nọ đến cái kia. Vì chủ quan và cũng vì ngại đi viện nên mỗi lần đau nhức răng, chị thường đắp thuốc lá hoặc uống thuốc giảm đau. Thế nhưng, thời gian gần đây, những cơn đau răng liên tục kéo đến khiến chị ăn uống vô cùng khó khăn.

Đi khám, chị mới biết mình có đến 3 chiếc răng hàm phải điều trị tủy, một cái thì phải nhổ vì sâu lớn, hơn nữa răng đã bị vỡ không còn cách khắc phục nào khác. Dù đang trong thời kỳ kinh nguyệt nhưng để được nhổ ngay để đỡ phải đi lại nhiều và cũng vì quá lo lắng, không muốn để lâu, chị đã nói dối bác sĩ là sức khỏe bình thường, nguyệt san cũng không ghé thăm.

Chính vì thế, lúc nhổ, chị cảm thấy rất đau dù đã được tiêm thuốc tê. Sau khi nhổ một tuần, lợi vẫn tấy đỏ, viêm, thi thoảng lại rỉ máu. Tới phòng khám lại, bác sĩ cho biết nếu đang trong ngày “đèn đỏ” mà vẫn cố tình nhổ răng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe. Cũng may, sau đó được bác sĩ kê đơn thuốc uống và bôi nên chị đã lành vết thương.

Không nhổ răng khi sức khỏe yếu

Trao đổi với phóng viên Sức Khỏe Gia Đình về vấn đề này, Thạc sĩ, bác sĩ Trần Quốc Toàn (Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, Bệnh viện Châm cứu Trung Ương) cho biết, nhổ răng cũng cần phải đúng thời điểm. Trong trường hợp đang có bệnh trong người, bạn không nên nhổ vì dễ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và làm cho bệnh càng biến chứng nặng thêm.

“Người bệnh chỉ nhổ răng khi sức khỏe đang ổn định và cần được bác sĩ giải thích cụ thể để có tâm lý chuẩn bị trước. Không nhổ răng khi bệnh nhân đang mắc bệnh nan y hay sức khỏe yếu. Những người bị ung thư máu giai đoạn không ổn định cũng không nên nhổ răng. Những người bị tăng huyết áp nếu nhổ răng cũng dễ bị tai biến mạch máu não. Người mắc bệnh tim mạch nếu nhổ có thể gây rối loạn nhịp tim, suy tim. Còn với những người tiểu đường, có khả năng bị nhiễm khuẩn kéo dài sau nhổ răng”. - bác sĩ Toàn cho biết.

Đặc biệt, theo bác sĩ Toàn, người mắc các bệnh nhiễm khuẩn cấp tính tại khoang miệng và các bộ phận khác cũng không nên nhổ bởi sẽ làm nhiễm trùng lan rộng, gây nguy hiểm. Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh rối loạn đường máu, đang xạ trị vùng xương hàm cũng tuyệt đối không nên nhổ răng.

Vẫn theo bác sĩ Toàn, những người đang trong chu kỳ kinh nguyệt, có thai, cho con bú, người vừa mới ốm dậy cũng cần phải đợi qua thời điểm này mới tiến hành nhổ răng, nếu không, người bệnh sẽ có cảm giác đau rất nhiều, khó cầm máu, lợi có khả năng bị viêm, sưng tấy. Với phụ nữ mang thai, việc nhổ răng có thể ảnh hưởng tới thai nhi nên rất nguy hiểm.

“Nhổ răng không tuân theo những quy định này sẽ làm cho các biến chứng bệnh nặng thêm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.” - bác sĩ Toàn khuyến cáo.

Nên nhổ răng vào buổi sáng

Để nhổ răng an toàn, bác sĩ Toàn cho biết: “Sau khi được chuẩn bị đầy đủ về sức khỏe và tâm lý thì nên nhổ răng vào buổi sáng khi bệnh nhân có sức khỏe tốt nhất trong ngày, sức đề kháng và sức chịu đựng đều tốt hơn. Nếu quá lo lắng, bệnh nhân có thể uống một viên thuốc an thần nhẹ vào đêm hôm trước. Để tránh bị hạ đường huyết trong khi nhổ, bạn cũng cần ăn no trước trước khi nhổ răng. Sau khi nhổ răng, cần theo dõi biểu hiện chảy máu sau khi nhổ răng. Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể sử dụng 1-2 ngày kháng sinh trước nhổ răng để phòng nhiễm trùng".

Bên cạnh những lưu ý trước khi nhổ răng, người bệnh cũng nên tuân thủ những lời khuyên của bác sĩ sau khi nhổ răng như uống thuốc đầy đủ, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, khi chải răng không chải trực tiếp nên vùng lợi đang tổn thương hoặc uống nhiều nước, ăn những thực phẩm mềm, lỏng sau khi nhổ răng, tránh ăn đồ quá nóng hoặc quá lạnh để tránh lợi bị sưng, viêm, chảy máu và vết thương lâu lành.

Theo Theo SKGĐ