Nhìn kỹ 14 bảo vật Hoàng gia Anh được dùng trong lễ đăng cơ Vua Charles

TPO - Ngày 6/5, thế giới được chứng kiến sự kiện hoành tráng và uy nghiêm nhất trong 70 năm qua ở Anh – lễ đăng cơ của Vua Charles. Vào dịp này, phần lớn bảo vật Hoàng gia Anh sẽ tạm rời khỏi Tháp London và lộ diện trước công chúng toàn cầu.

Vương miện Thánh Edward

Vương miện Thánh Edward. Ảnh: The Royal Family.

Vương miện Thánh Edward là vật phẩm quan trọng nhất trong hệ thống vương miện của Hoàng gia Anh. Bảo vật này được đặt theo tên của Thánh Edward Người Tuyên xưng Đức tin (một vị vua, 1003–1066). Phiên bản hiện tại được làm cho Vua Charles II của Anh vào năm 1661.

Vương miện làm từ vàng nguyên khối, đính 444 viên đá quý, bao gồm hồng ngọc, thạch anh tím và ngọc bích. Nó cũng có chiếc mũ nhung với dải lông chồn. Thiết kế hai vòm đơn giản, có thêm quả cầu và cây thánh giá trên đỉnh. Vương miện cao 30 cm và nặng 2,23 kg.

Các vị quân chủ nước Anh chỉ được đội Vương miện Thánh Edward vào thời khắc đăng cơ. Sau khi kết thúc buổi lễ, nó được trả lại Jewel House (Nhà Ngọc) tại Tháp London.

Vương miện Nhà nước Hoàng gia

Vương miện Nhà nước Hoàng gia được quốc vương Anh dùng hàng năm. Ảnh: Indiatimes.

Trước khi rời Tu viện Westminster, Vua Charles III sẽ đội Vương miện Nhà nước Hoàng gia. Khác với Vương miện Thánh Edward chỉ dùng trong lễ đăng cơ, vương miện thứ hai thường nhà vua được đội hàng năm trong lễ khai mạc Quốc hội Anh.

Nó được chế tác vào năm 1937, dựa trên vương miện của Nữ hoàng Victoria. Khung bạc được trang trí bằng 2.868 viên kim cương nhỏ nhiều kích cỡ. Mặt trước có viên kim cương Cullinan II nặng 317,4 cara và hồng ngọc Hoàng tử Đen có từ thế kỷ 14. Giữa cây thánh giá trên cùng gắn viên sapphire (ngọc bích) lấy từ chiếc nhẫn trên tay Vua Edward sau khi ông qua đời vào thế kỷ 13. Ngoài ra, vương miện cũng bao gồm nhiều ngọc trai, sapphire, ngọc lục bảo, hồng ngọc khác.

Kiếm

Trong lễ đăng cơ, ba người được chọn mang đến trước mặt Vua Charles và Hoàng hậu Camilla ba thanh kiếm mạ vàng, đại diện cho ba khía cạnh quyền lực và nghĩa vụ của người đứng đầu hoàng gia.

Thanh kiếm Temporal Justice đại diện cho vai trò người đứng đầu lực lượng vũ trang của nhà vua. Thanh kiếm Spiritual Justice với ý nghĩa là người bảo vệ đức tin. Cuối cùng thanh kiếm Mercy có lưỡi gãy nhắc nhở nhà vua nên có sự nhân từ.

Ngoài ra, thanh kiếm khác không thể thiếu trong lễ đăng cơ là Sword of state. Theo Daily Mail, Vua Charles II có hai thanh Sword of state, ra đời lần lượt vào năm 1660 và 1678. Thanh đầu tiên đã biến mất, thanh còn lại được cất giữ tại Tháp London.

Thanh kiếm dài hơn 119 cm, có lưỡi bằng thép, khắc hoa văn kỳ công. Bao kiếm làm bằng gỗ, bọc nhung và bao quanh bằng các giá đỡ màu vàng. Chuôi kiếm tinh xảo với quai cầm hình sư tử, kỳ lân.

Ampulla

Chrism hay dầu Thánh được Tổng Giám mục Canterbury xức cho nhà vua trong lễ đăng cơ được đựng trong chiếc bình hình đại bàng, gọi là ampulla. Có một lỗ nhỏ ở mỏ chim để đổ dầu vào thìa đăng cơ.

Món đồ này do thợ kim hoàn hoàng gia Robert Vyner tạo ra vào năm 1661. Theo truyền thuyết, nó được lấy cảm hứng từ một giấc mơ. Trong đó, Đức Mẹ đồng trinh Maria hiển linh trước Thomas Becket, Tổng giám mục Canterbury từ năm 1162 cho đến năm 1170, và trao cho ông một chiếc bình hình con đại bàng và lọ dầu để làm lễ đăng cơ. Trên thực tế, nhiều khả năng ampulla được dựa trên con tàu thời trung cổ của Pháp, có hình đại bàng.

Thìa đăng cơ

Thìa đăng cơ là đồ vật lâu đời nhất trong bộ sưu tập, có niên đại từ thế kỷ 12.

Vì là bảo vật duy nhất của thời trung cổ, người không biết chính xác nguồn gốc của nó. Nó được liệt kê trong danh sách bảo vật của Hoàng gia Anh vào năm 1349 nhưng thiết kế có niên đại sớm hơn thế nhiều, có thể là thời Henry II hoặc Richard I.

Trong lễ đăng cơ, dầu Thánh được đổ vào thìa, sau đó Tổng giám mục Canterbury sẽ nhúng ngón tay vào trước khi xức cho vua.

Ampulla và thìa đăng cơ. Ảnh: Jewel House.

Cái chùy

Giống như hầu hết bảo vật khác, chùy được đưa đến trước mặt vua và hoàng hậu trong lễ đăng cơ.

Ban đầu, nó là di vật gắn liền với Thánh Edward Người Tuyên xưng Đức tin, được lưu giữ tại Tu viện Westminster. Tuy nhiên, vào năm 1649, nó bị phá huỷ sau khi Vua Charles I bị hành quyết trong Nội chiến Anh. Đến năm 1660, món vũ khí phổ biến trong thời trung cổ này được tái tạo bởi Vua Charles II. Chùy được xem là biểu tượng của quyền lực hoàng gia trong hơn 1.000 năm.

Phiên bản hiện tại có chất liệu là bạc mạ vàng, có niên đại từ thế kỷ 17 và được lưu giữ trong Tháp London.

Gậy Thánh Edward

Gậy Thánh Edward là một trong những bảo vật bí ẩn nhất bộ sưu tập. Nó dường như liên quan đến Thánh Edward Người Tuyên xưng Đức tin.

Vua Charles II cho tái tạo món đồ để dùng trong lễ đăng cơ của ông. Tuy nhiên, không ai chắc chắn nó dùng để làm gì hoặc sự xuất hiện của nó có cần thiết không.

Tuy nhiên, Vua Charles II quyết định sử dụng bảo vật này trong lễ đăng cơ vào tháng 5.

Cựa thúc ngựa

Những chiếc cựa thúc ngựa được dâng lên quốc vương như biểu tượng cho phẩm chất hiệp sĩ.

Nó xuất hiện trong các lễ đăng cơ của Vua Anh ít nhất từ khi Vua Richard I lên ngôi vào năm 1189.

Hai chiếc phiên bản hiện tại do Vua Charles II yêu cầu chế tác vào năm 1661. Chúng được cố định vào chân vua ngay sau khi thanh kiếm nghi lễ được buộc vào thắt lưng người đó.

Armill

Armill được đặt theo từ armuli, có nghĩa cánh tay trong tiếng Latinh. Chúng được xem là vòng tay của sự chân thành và trí tuệ.

Bản gốc được trang trí bằng ngọc trai và hồng ngọc, nặng gần 200 g. Sau đó, Vua Charles II yêu cầu thay thế bằng men sứ, khắc biểu tượng của 52 vương quốc mà các vị vua Anh tuyên bố chủ quyền.

Armill được dùng khi Tổng giám mục Canterbury ban phước lành, tượng trưng cho mối quan hệ của quốc vương với người dân.

Thanh kiếm Sword of Offering

Thanh kiếm nạm ngọc được mang theo trong đám rước và dâng lên quốc vương như biểu tượng cho đức tính hiệp sĩ.

Thanh kiếm được chế tác cho Vua George IV vào năm 1821. Ông bỏ ra 6.000 bảng Anh để mua nó. Theo Daily Mail, lễ đăng cơ của Vua George IV là một trong những sự kiện sang trọng và tốn kém nhất trong lịch sử.

Bao kiếm được nạm những viên ngọc lục bảo, hồng ngọc và ngọc bích lớn, cũng như 2.000 viên kim cương xếp thành hình hoa hồng, cây kế, cỏ ba lá. Ngoài ra, nó còn đính viên ngọc lam rực rỡ.

Chuôi kiếm có những chiếc lá sồi kim cương và quả sồi màu ngọc lục bảo. Hai đầu sư tử tạo thành tay cầm, với đôi mắt bằng hồng ngọc.

Lưỡi kiếm được trang bị bằng các huy hiệu mạ vàng, hoa đại diện cho mỗi nước trong Khối Thịnh vượng chung và vương miện hoàng gia.

Quả cầu

Bảo vật này mô tả quả địa cầu, có phần lõi rỗng, được chia thành ba phần – nửa trên thành hai phần và nửa dưới – đại diện cho ba lục địa theo quan niệm từ thời trung cổ.

Quả cầu được tạo ra cho lễ đăng cơ năm 1661. Nó nặng gần 1 kg. Thợ kim hoàn hoàng gia mua một bộ trang sức đặc biệt để gắn vào, bao gồm 365 viên kim cương, 18 viên hồng ngọc, 9 viên ngọc lục bảo và 9 viên ngọc bích.

Điểm nối của quả cầu là đường xích đạo, được bao phủ bởi một dải đá quý ở giữa lớp men trắng. Viên đá quý nổi bật và quý giá nhất là thạch anh tím nối quả cầu với cây thánh giá (có gắn hai viên ngọc lục bảo và ngọc bích ở hai mặt).

Quả cầu tượng trưng cho quyền lực và chủ quyền. Theo truyền thống, nó được đặt lên tay phải của quốc vương trước khi chuyển lên bệ thờ chính.

Phần lớn bảo vật trong Jewel House (Nhà Ngọc) ở Tháp London được lấy ra trong lễ đăng cơ. Ảnh: RCT.

Nhẫn

Là biểu tượng của đức tin và phẩm giá, chiếc nhẫn đại diện cho sự ràng buộc của quốc vương với thần dân và Giáo hội.

Chiếc nhẫn hiện tại có từ thời William IV. Ông đặt làm nó vào năm 1831. Nhẫn nổi bật với một viên ngọc bích, kèm theo những viên hồng ngọc có hình Thánh giá của St George được bao quanh bởi 14 viên kim cương.

Trong lễ đăng cơ, Tổng giám mục Canterbury đeo nhẫn vào ngón tay thứ tư trên bàn tay phải của nhà vua. Nó hiện đã được thay đổi kích thước để phù hợp với Charles III.

Quyền trượng với thánh giá

Quyền trượng với thánh giá được trao cho nhà vua tượng trưng cho quyền lực tạm thời. Trong buổi lễ, nó được đặt vào tay phải của nhà vua.

Quyền trượng hiện tại có từ thời Charles II, nhưng có điểm mới là viên kim cương Cullinan I (viên kim cương cắt không màu lớn nhất thế giới, còn được gọi là Ngôi sao châu Phi) trên đỉnh. Quyền trượng còn có thánh giá bằng thạch anh tím và vàng. Năm 1661, quyền trượng có giá 1.025 bảng Anh.

Quyền trượng với chim bồ câu

Quyền trượng với chim bồ câu tượng trưng cho sức mạnh tinh thần của nhà vua, được đặt ở tay trái của chủ nhân ngai vàng mới trong suốt lễ đăng cơ. Trên đỉnh là hình chim bồ câu tráng men đặc biệt dang rộng đôi cánh tượng trưng cho Chúa Thánh Thần.

Cũng do Vua Charles II đặt làm, quyền trượng này cao khoảng 1,09 m, được bao quanh bởi những chiếc vòng ngọc với nhiều viên đá quý. Nó có giá 440 bảng Anh vào năm 1661 và hầu như không thay đổi.

Theo Daily Mail