Nhiều siêu dự án “đòi” tăng vốn

TP - Ngày 22-11, UBND TP Hà Nội có cuộc họp bàn kiểm điểm tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Điều đáng nói, hàng loạt dự án trọng điểm lớn bị chậm tiến độ đang xin điều chỉnh tổng vốn đầu tư với số kinh phí đội lên khổng lồ.
Dự án sông Tích chủ đầu tư xin điều chỉnh tăng vốn từ 1.600 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng Ảnh: NT

> Bất động sản đến hồi thoái vốn
> Khi ‘Siêu dự án’ trở thành… bãi đất hoang
> Mặt bằng dự án BĐS và những nghịch lý

Thi nhau đòi tăng vốn

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội, tính đến 15-11 trong số các dự án trọng điểm của TP, mới có 2 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đặc biệt có tới 41 dự án chậm tiến độ so với yêu cầu.

Một số dự án đến nay chưa xác định được địa điểm đầu tư như: hai cơ sở hỏa táng ở phía Bắc và Nam TP; một số dự án gặp khó khăn trong công tác GPMB như dự án nghĩa trang Minh Phú (Sóc Sơn) và nghĩa trang Thanh Tước (Mê Linh), đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu; dự án sông Tích… một số dự án thời gian thi công kéo dài dẫn đến điều chỉnh thiết kế và đơn giá như dự án đường 5 kéo dài; dự án đường vành đai 1 và 2…

Đáng chú ý, hàng loạt dự án lớn không những bị chậm mà còn đang đồng loạt xin điều chỉnh tăng tổng vốn đầu tư trong bối cảnh kinh tế còn rất khó khăn hiện nay.

Chẳng hạn như dự án cải tạo sông Tích (tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng), tuy trong giai đoạn 1 chưa xong thiết kế kỹ thuật nhưng chủ đầu tư đã vội trình hồ sơ xin điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.600 tỷ đồng lên 3.100 tỷ đồng;

Dự án bệnh viện đa khoa 1.000 giường tại Mê Linh (theo hình thức BT) chưa có quy hoạch khu đất đối ứng, chưa có cơ sở xác định dự án đối ứng hoàn trả nhà đầu tư, trong khi tiến độ kế hoạch yêu cầu phê duyệt dự án trong quý II, lựa chọn nhà thầu trong quý IV...

Ở lĩnh vực đô thị, hàng loạt dự án trọng điểm đều “đòi” thêm tiền như dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 19.000 tỷ đồng lên 51.000 tỷ đồng; Dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội phải điều chỉnh tổng mức đầu tư từ 18.000 tỷ đồng lên 32.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhà tài trợ chưa có cam kết bổ sung vốn; chưa kể một loạt dự án khác như Công viên hồ Đống Đa, nghĩa trang Minh Phú; nghĩa trang Thanh Tước, Dự án đường vành đai 2 Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng cũng chậm tiến độ.

Ưu tiên vốn cho các dự án dân sinh

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho rằng, không vì khó khăn mà phải điều chỉnh kế hoạch của TP. Tuy nhiên, cần phải điều hành vốn linh hoạt, ưu tiên cho dự án đang triển khai để sớm đưa vào sử dụng.

Đảm bảo nguồn vốn cho các dự án đang triển khai, trong năm 2013 ưu tiên vốn để khởi công các dự án dân sinh bức xúc như tuyến vành đai 1, 2, các cầu vượt nhẹ và cơ sở hỏa táng, các công trình xử lý rác thải, nước thải và xử lý ô nhiễm sông, hồ.

Về nguồn vốn, ông Thảo dự tính TP có thể tính tới việc chủ động phát hành trái phiếu để huy động nguồn lực. Đồng thời yêu cầu các sở ngành xây dựng khung hệ số hỗ trợ GPMB cho từng khu vực trên toàn địa bàn TP để trình Thường trực HĐND TP xem xét, thông qua.

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu tiến hành rà soát lại năng lực các chủ đầu tư và ban quản lý dự án, cần thiết rút lại dự án đối với những chủ đầu tư không có năng lực chuyên môn để giao cho các ban quản lý chuyên ngành.

Liên quan đến chậm tiến độ theo các sở ngành, nguyên nhân chính là do gặp khó khăn trong công tác GPMB, bởi đây là các dự án có khối lượng đền bù, GPMB và tái định cư rất lớn. Trong khi chế độ, chính sách đền bù vẫn còn nhiều bất cập, giá đền bù chưa sát giá thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng nhà tái định cư chưa đảm bảo, việc phân bổ địa điểm tái định cư chưa hợp lý.

Mặt khác, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhiều nhà đầu tư BT, BOT không còn mặn mà với hình thức đổi đất lấy dự án, thậm chí xin trả lại dự án.

Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, nếu các dự án không GPMB hoặc GPMB dở dang thì thời gian thi công sẽ kéo dài, dẫn đến tăng mức vốn đầu tư, ảnh hưởng đến công tác cân đối nguồn lực của TP.

“Với các dự án điều chỉnh tổng mức đầu tư, sở sẽ rà soát kỹ các nội dung, hạng mục điều chỉnh, xem xét việc cắt giảm các hạng mục chưa thực sự cần thiết, tính toán chi phí tiết kiệm, hợp lý nhất”-lãnh đạo Sở này nói.

Theo Báo giấy