Nhiều sai phạm tại Cty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn

TP - Bên cạnh nhiều thành viên hội đồng quản trị có vấn đề về tư cách, Cty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn (gọi tắt Cty Bắc Kạn) còn kinh doanh kém hiệu quả, mắc nhiều sai phạm trong việc chấp hành các chính sách pháp luật về sử dụng người lao động, đầu tư, huy động vốn...
Trụ sở Cty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn

Cựu Phó chủ tịch tỉnh làm thành viên HĐQT

Theo Thanh tra tỉnh Bắc Kạn, Cty Bắc Kạn có tiền thân là Cty Khoáng sản Bắc Kạn, doanh nghiệp nhà nước, nay HĐQT gồm 5 người thì có tới 3 người có vấn đề. Cụ thể, từ 22/10/2009 Tổng Cty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước tại Cty Bắc Kạn, song UBND tỉnh Bắc Kạn chưa làm thủ tục cho Tổng giám đốc Mai Văn Bản, trước đó là đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thôi làm công chức để chuyển sang quản lí doanh nghiệp cổ phần.

Người thứ hai là ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, phụ trách lĩnh vực công nghiệp, khoáng sản. Sau khi nghỉ hưu tháng 9/2009, đến tháng 4/2012, ông Thành lại tham gia HĐQT Cty Bắc Kạn. Theo cơ quan thanh tra, việc này vi phạm khoản 4 điều 5 Nghị định 102/2007/NĐ-CP quy định về thời hạn không được kinh doanh và khoản 2 điều 19 Luật Cán bộ, công chức.

Trao đổi với PV ngày 24/3, ông Hà Văn Hùng, Chánh Thanh tra tỉnh Bắc Kạn, cho biết, mặc dù đã có kết luận thanh tra gần 4 tháng nhưng vẫn chưa thấy UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xử lý theo kết luận và kiến nghị của Thanh tra.

Đáng nói hơn, khi còn đương chức, ngày 8/2/2007, ông Thành đã ký văn bản cho phép chính Cty Bắc Kạn được tận thu quặng chì, kẽm từ ngày 8/2/2007 đến 18/3/2011 tại hai mỏ Nà Bốp và Pù Sáp. Thanh tra tỉnh kết luận, văn bản trên không đúng quy định của Luật Khoáng sản; sản lượng quặng nguyên khai thác trái quy định trong thời gian này, theo biểu giá của tỉnh trị giá tới 246,2 tỷ đồng.

Người thứ ba là bà Hoàng Thị Định, cựu chuyên viên chính, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, công chức nhà nước. Tháng 9/2007, bà Định chủ động xin nghỉ việc, đến 1/10/2007 chuyển ngay sang làm Phó tổng giám đốc Cty CPKS Bắc Kạn.

Đầu tư nhiều, lỗ nặng

Cũng theo kết quả thanh tra, Cty CPKS Bắc Kạn đã đầu tư tổng cộng vào 8 dự án thì tất cả đều không có hiệu quả. Cụ thể, đầu tư xây dựng tại Nhà máy Luyện chì Bằng Lũng, Chợ Đồn trên 30 tỷ đồng, khởi công từ năm 2007 nhưng đến ngày 31/3/2013 vẫn chưa phát sinh doanh thu. Đến ngày 6/8/2012 công ty ký hợp đồng cho Cty Cổ phần Luyện kim Vĩnh Phát thuê toàn bộ với giá 5 tỷ đồng/năm. Nhưng đến thời điểm thanh tra, Cty Vĩnh Phát vẫn chưa trả tiền thuê năm 2013.

Nhiều dự án Cty Bắc Kạn góp vốn vào cũng bị lỗ nặng. Tổng cộng, Cty vung gần 50 tỷ đem đi đầu tư, nhưng đến 31/3/2013 không phát sinh một đồng doanh thu nào. Nghiêm trọng hơn, 2 dự án Cty đầu tư có phát sinh doanh thu là Nhà máy Chế biến rau quả, nước giải khát Bắc Kạn và Nhà máy Nước khoáng AVA thì lỗ hơn 10 tỷ đồng sau vài năm hoạt động.

Mượn cớ “bảo vệ” để khai thác trái phép

Ngày 1/9/2011, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Thông báo “giao UBND huyện Ngân Sơn chủ trì, phối hợp với Cty Bắc Kạn bảo vệ khu vực mỏ vàng Pác Lạng cho đến khi UBND huyện Ngân Sơn tìm được đối tác mới để chuyển giao”. Nhận được công văn, ông Mai Văn Bản đã đứng ra chỉ đạo cán bộ huy động vốn trái phép với 2 tổ chức, 46 cá nhân để thu số tiền 8,95 tỷ đồng không đúng quy định, không có sự thống nhất của các thành viên HĐQT.

Sau đó, các tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn đã nhảy vào khu vực mỏ vàng Pác Lạng để dựng lán trại, đưa người, máy phát điện, đầu nổ, máy nghiền đá khai thác khoáng sản trái phép, gây mất ổn định ANTT.

UBND huyện Ngân Sơn đã phải bỏ ra 386 triệu đồng từ ngân sách để 4 lần tổ chức giải tỏa, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Ngoài ra, quá trình khai thác tại các mỏ này, Cty còn được “hưởng lợi” 1,5 tỷ đồng do được một số cán bộ Cục Thuế “tính sai” thuế tài nguyên và được “quên” nộp tiền thuê đất với số tiền đáng phải nộp cho Nhà nước là 548 triệu đồng.

Kết thúc quá trình thanh tra, ngoài kiến nghị xử lý về tài chính, Thanh tra tỉnh Bắc Kạn cũng kiến nghị xử lý hành chính và kinh tế đối với nhiều cá nhân liên quan sai phạm tại Cty Bắc Kạn. Trong số này, có các ông Nguyễn Văn Thành (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh), ông Triệu Đức Hiệp (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường), ông Ngô Văn Viện và ông Trần Nguyên, cùng là phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.