Tự rước họa
Chị Thúy Hà (Hà Nội) chiều nào cũng đi bộ từ nhà ra công viên tập thể dục rồi về tranh thủ đi chợ luôn. Chị bảo như thế cơ thể toát ra nhiều mồ hôi thải độc, người khỏe mạnh, ăn uống thấy ngon lành. Nhưng mấy hôm nay, sáng đi tập thể dục thì vẫn phải mặc áo khoác. Tầm 9 – 10 giờ chị đi chợ về thì trời đã nắng to, mồ hôi toát ra khiến chị phải tắm gội, hoặc chí ít cũng phải rửa mặt mũi chân tay.
Gần đây chị luôn bị đau đầu, tuy không đau tới mất ăn mất ngủ nhưng rất khó chịu. Bác sĩ cho chị biết, những nắng mới như thời tiết hiện nay, đi tập về mồ hôi túa ra thường thấy nóng bức, nhất là vùng đầu mặt , tắm gội hoặc rửa mặt ngay tuy mát mẻ, dễ chịu lại là nguyên nhân gây đau đầu mà chị không biết.
Theo các bác sĩ, nhiều người đã tự gây đau đầu cho mình mà không biết, bởi họ mắc sai lầm tương tự như chị Hà.
Chứng đau đầu này còn hay xảy ra khi nhiệt độ chênh lệch cao, thay đổi hướng gió, gặp mưa… làm mạch máu não co - giãn và gây đau đầu từ nhẹ tới dữ dội (lưu ý, chứng đau đầu do thời tiết rất hay bị nhầm với chứng đau nửa đầu bệnh lý).
Ảnh minh họa
Ai dễ mắc đau đầu do thời tiết?
- Ai cũng có thể bị đau đầu do thời tiết. Nhưng phụ nữ, người già, người bị huyết áp thấp, thể trạng yếu rất hay mắc chứng đau đầu khi thay đổi thời tiết.
- Người cơ địa quá mẫn cảm với thời tiết rất hay bị đau nhức đầu.
- Những người bị mắc chứng bệnh đau đầu, hay đau nửa đầu khi thời tiết thay đổi cũng rất dễ bị đau đầu.
Khi bị đau đầu nên làm gì
Cách xử trí khi bị đau đầu đơn giản nhất là ngay khi xuất hiện cơn đau đầu, hãy tránh xa tivi, máy tính để mắt được nghỉ ngơi, giảm căng thẳng.
Tìm chỗ thoáng mát nghỉ ngơi. Nằm với tư thế chân cao hơn đầu nhằm giúp máu lưu thông lên não.
Uống trà gừng - đường. Sau khoảng 15 - 20 phút cơn đau sẽ hết.
Có thể áp dụng một số phương pháp đơn giản trị nhức đầu tự nhiên như thư giãn, xoa bóp mát xa nhiều lần vùng đầu, mặt bị đau để giảm đau. Hoặc giảm bớt nhức đầu bằng cách đắp khăn lạnh, tắm nước ấm.
Các biện pháp châm cứu, tập yoga, hoặc thư giãn… cũng giúp giảm đau đầu.
Lưu ý là nếu đau đầu do đi ngoài nắng nóng về, hãy tránh bật quạt hay để máy lạnh thốc vào người. Nên mở cửa để thông khí.
Nếu như cơn đau đầu không đỡ hãy uống thuốc giảm đau để chấm dứt cơn đau hiệu quả. Nhưng thuốc đau đầu hay có phản ứng phụ nên các bác sĩ khuyên người dân tránh lạm dụng.
Ảnh minh họa
Phòng ngừa đau đầu
Hãy ngăn ngừa chứng đau đầu bằng cách ăn nhiều rau tươi (món đồ, hấp luộc, nướng), rau quả tươi. Bồi bổ thêm vitamin B1, B6, B12, magie, khoáng chất… để phòng ngừa chứng đau đầu, hạn chế bị co thắt động mạch. Bổ sung nagie - thứ khoáng chất rất cần cho chuyển hoá dưỡng chất từ não tới các động mạch, giúp khống chế động mạch giãn nở.
- Nên ăn thực phẩm có hàm lượng calo thấp, ít chất béo, ăn chất béo có hàm lượng omega 3 axit cao để ngăn ngừa chứng đau đầu.
- Uống nhiều nước (2 lít nước/ngày) để điều hòa cơ thể hiệu quả. Đội mũ nón rộng vành khi ra nắng để tránh bị đau đầu.
- Thường xuyên rèn luyện thể lực, dưỡng sinh, yoga… để chứng đau đầu ít “thăm hỏi”.
- Ngủ ngon và đủ.
- Không nên đóng cửa bật điều hòa, hay hút thuốc lá trong phòng điều hòa… vì dễ bị khó ngủ, thiếu dưỡng khí và gây đau đầu, đau nửa đầu và đau cả tứ chi.
- Không nên dùng các loại nước hoa có mùi đậm, hút thuốc lá, nhai kẹo cao su, tránh tiếng ồn...
- Tránh nơi có nhiệt độ cao, không phơi nắng, đi dạo giữa trưa, đi lại lâu ở chỗ đông người, ở nơi không khí ngột ngạt thiếu ô xy vì dễ bị đau đầu, tụt huyết áp.
- Tập thể dục thể thao vừa sức, điều độ để tăng cường sức khỏe giúp tránh đau đầu, giảm tái phát.
- Để giảm sự nhạy cảm với thời tiết, nâng cao sức đề kháng hãy tăng cường thể lực, bồi bổ cơ thể bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi...
Nên đi khám khi...
Khi đã uống thuốc mà không thấy giảm đau đầu, hoặc đau đầu nhiều hơn, xảy ra thường xuyên hơn, hoặc xuất hiện nhiều triệu chứng khác thường với những triệu chứng đau đầu, đau nửa đầu thông thường, hoặc kèm triệu chứng khác thì cần đi khám xác định nguyên nhân để chữa trị.
Nếu phụ nữ bị đau đầu trong thời kỳ mang thai do thay đổi nội tiết tố, hãy thông báo với bác sĩ sản khoa để được kê đơn thuốc phù hợp.
Người trên 50 tuổi dễ mắc viêm động mạch thái dương, đi kèm với hiện tượng mất ngủ, trầm cảm và bị giảm cân liên tục. Cần phải chữa trị kịp thời và dứt điểm kẻo có thể bị mù.
Đau đầu do thời tiết chỉ sau vài giờ là khỏi, nhưng nếu đau dữ dội thì cần đi khám để bác sĩ cho uống thuốc giảm đau. Tuy nhiên các bác sĩ khuyến cáo không nên lạm dụng thuốc giảm đau vì hay gặp phản ứng phụ.
Cách xử trí khi bị đau đầu do nóng lạnh thất thường
Khi đi nắng về, nếu thấy đầu, mặt nóng bừng thì đừng rửa mặt, bởi "bộ máy điều nhiệt" của cơ thể đang hoạt động sẽ đưa hơi nóng trong cơ thể đến vùng mặt vừa rửa mát (đang mát do vừa được rửa bằng nước), và kết quả là mặt và đầu sẽ bị nóng bừng trở lại. Hơi nóng đưa lên đầu khiến sẽ bị đau đầu lại.
Nếu việc này xảy ra thường xuyên (nhất là khi vào hè), chứng đau đầu sẽ càng ngày càng khó chịu hơn…
Để tránh bị đau đầu trong trường hợp này hãy:
- Rửa chân tay trước (nhất là vùng chân) sau khi đi nắng về (nhằm điều hòa nhiệt lượng, hơi nóng ở đầu – mặt - toàn thân sẽ được chuyển xuống chân và thoát ra ngoài qua các lỗ chân lông.
- Khi thân nhiệt hơi dịu hãy rửa mặt. Như thế toàn cơ thể sẽ được hạ nhiệt đều, không gây tổn hại đến các phần khác trong cơ thể.