Mới đây, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam, 32 tuổi, quê Thanh Hóa, thường xuyên bị cơn hồi hộp trống ngực, khó thở, tức ngực, mệt mỏi… Các triệu chứng này xuất hiện một thời gian dài nhưng chỉ thoáng qua nên bệnh nhân không mấy để ý. Chỉ đến khi nhập viện điều trị khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, bệnh nhân mới biết mình bị mắc bệnh rối loạn nhịp tim hiếm gặp ở người trẻ.
ThS.BS Vũ Văn Bạ - Khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E, là người trực tiếp điều trị bệnh nhân này, cho biết: Bệnh nhân được khảo sát bằng điện tim đồ trong 24 giờ liên tục, thấy xuất hiện nhiều cơn rung nhĩ trong ngày. Bệnh nhân tiếp tục được làm xét nghiệm tìm các yếu tố nguy cơ thường gặp liên quan đến rung nhĩ như siêu âm tim, hormone tuyến giáp… Điều đáng nói, dù được điều trị bằng các loại thuốc tối ưu nhưng bệnh tình không thuyên giảm, kết quả theo dõi điện tim vẫn cho thấy nhiều cơn rung nhĩ trong ngày.
“Nếu như trước đây, các bác sĩ “bó tay” với các trường hợp bệnh nhân mắc bệnh rung nhĩ không dung nạp thuốc hoặc trơ với thuốc chống rối loạn nhịp. Rất may cho bệnh nhân này, hiện nay, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E là một trong số ít các bệnh viện chuyên về Tim mạch ở Việt Nam triển khai điều trị rung nhĩ bằng phương pháp sử dụng năng lượng sóng có tần số radio với sự hỗ trợ công nghệ lập bản đồ điện học 3 chiều (3D)” – GS.TS. Lê Ngọc Thành – Giám đốc Bệnh viện E chia sẻ.
Rung nhĩ là bệnh rối loạn nhịp tim phổ biến nhất hiện nay, người bệnh mắc rung nhĩ tăng nguy cơ đột quỵ não gấp 5 lần, suy tim gấp 3 lần, tử vong gấp 2 lần so với người bình thường. Rung nhĩ là tình trạng buồng nhĩ đập không đều và hỗn loạn, không đồng bộ với nhịp đập của hai buồng thất. Rung nhĩ thường làm nhịp tim không đều và nhanh, khiến tim bơm máu không hiệu quả ở mỗi nhịp đập.
Bệnh nhân nam, 32 tuổi, quê Thanh Hóa, thường xuyên bị cơn hồi hộp trống ngực, khó thở, tức ngực, mệt mỏi… Các triệu chứng này xuất hiện một thời gian dài nhưng chỉ thoáng qua nên bệnh nhân không mấy để ý. Chỉ đến khi nhập viện điều trị khoa Nội tim mạch người lớn, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E, bệnh nhân mới biết mình bị mắc bệnh rối loạn nhịp tim hiếm gặp ở người trẻ.
Tình trạng này có thể tạm thời, thoáng qua rồi hết nên người bệnh thường không để ý và điều trị sớm. Điều đáng nói, nhiều người mắc rung nhĩ với chỉ xuất hiện các triệu chứng như hồi hộp đánh trống ngực, mệt, yếu, nhức đầu, huyết áp thấp, khó thở... nhưng có người bệnh tiến triển thầm lặng không triệu chứng.
Tuy nhiên, rung nhĩ có thể đưa đến một số biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là đột quỵ và suy tim. Hiện chưa rõ nguyên nhân gây rung nhĩ, nhưng tỷ lệ xuất hiện rung nhĩ cao hơn ở bệnh nhân có bệnh lý van tim, mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tuyến giáp, tuổi cao… Đặc biệt, tỷ lệ rung nhĩ tăng dần theo tuổi, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi trên 75 tuổi nhưng ở người trẻ, dưới 40 tuổi rất hiếm gặp.
GS Thành cảnh báo: Tình trạng rung nhĩ ngày càng trẻ hóa là vấn đề đáng quan tâm hiện nay. Bệnh nhân mắc rung nhĩ và điều trị ở tuổi 32 có thể coi là trẻ nhất cho tới thời điểm hiện nay và chưa xác định được nguyên nhân cũng như yếu tố nguy cơ. Ở người trẻ tuổi không có bệnh tim cấu trúc, nguy cơ thường gặp gây rung nhĩ là bệnh lý tuyến giáp như cường giáp. Một số yếu tố nguy cơ khác ở người trẻ còn đang được nghiên cứu như liên quan đến gen, tình trạng lạm dụng chất kích thích, căng thẳng, thời gian làm viêc dài trên 45 giờ/ tuần, hay trào ngược dạ dày thực quản…
Vì thế, các bác sĩ khuyến cáo: Để có thể phát hiện sớm rung nhĩ hoặc các tình trạng rối loạn nhịp tim, người dân cần đi kiểm tra nhịp mạch thường xuyên và định kỳ ít nhất 6 tháng/lần để phát hiện nhịp đập bất thường về tần số, nhịp điệu… Đặc biệt đối với những người trên 40 tuổi hoặc có nguy cơ tim mạch, người lớn trên 65 tuổi cần tầm soát bệnh tim mạch, trong đó xét nghiệm đo điện tâm đồ sẽ giúp phát hiện rung nhĩ và rối loạn nhịp tim.
Để phòng ngừa các bệnh tim mạch cũng như tình trạng rung nhĩ, người dân cần áp dụng lối sống điều độ, lành mạnh; thường xuyên tập thể dục; có chế độ ăn hợp lý, không uống rượu bia (những chất kích thích này có thể làm xấu hơn các tình trạng rối loạn nhịp tim)...; có giờ giấc nghỉ ngơi, tránh để bị stress. Tuyệt đối không hút thuốc.
Nếu mắc các bệnh lý mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu thì cần theo dõi và điều trị ổn định các tình trạng này. Lưu ý là không tự ý uống thuốc, kể cả các loại thuốc thông thường, vì một số thuốc có thể ảnh hưởng đến tình trạng rối loạn nhịp hoặc tương tác với thuốc chống loạn nhịp.