350.000 người lao động đang làm việc tại Nhật Bản
Tiếp nối các hoạt động song phương tại Nhật Bản, chiều 16/12, tại Thủ đô Tokyo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Diễn đàn hợp tác lao động Việt Nam – Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, sau 30 năm hợp tác lao động Việt Nam - Nhật Bản, lần đầu tiên có một sự kiện lớn về quy mô và tầm vóc như ngày hôm nay.
Diễn đàn thu hút sự sự tham dự của 400 đại biểu, và rất nhiều nghiệp đoàn, tổ chức, doanh nghiệp đăng ký thêm nhưng không được tham gia vì quá nhiều so với dự kiến, hội trường chỉ cho phép gần 500 người.
Đặc biệt, Diễn đàn này lần đầu tiên có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ với sự quan tâm, tình cảm đặc biệt dành cho người lao động.
Theo ông Dung, cho đến nay, người lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản là 350.000 người. Việt Nam đứng đầu trong số 15 nước phái cử thực tập sinh, lao động sang Nhật Bản.
Năm 2023 đánh dấu số lượng lớn, cao nhất từ trước đến nay, người lao động Việt Nam sang Nhật Bản đạt mốc 85.000. Điều này khẳng định lao động Việt Nam luôn nhận được sự đánh giá cao, sự tin tưởng của các nghiệp đoàn, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như sự yên tâm, mong muốn của người lao động đối với mảnh đất này.
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mối quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam và Nhật Bản đã trải qua 50 năm phát triển mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực với sự tin cậy chính trị cao, sự gắn kết chặt chẽ, “kết nối từ trái tim đến trái tim”, trong đó có kết nối trong lĩnh vực hợp tác lao động.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mỗi quốc gia muốn phát triển phải dựa vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó con người đóng vai trò quan trọng, có yếu tố quyết định.
Lao động trong thời kỳ mới phải có năng lực chuyên môn, kỹ năng, có phẩm chất, sức khỏe… đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của tình hình thực tế.
Việt Nam là nước đang phát triển, để thích ứng với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ, của khoa học kỹ thuật đòi hỏi việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam thông qua hoạt động hợp tác lao động với Nhật Bản phải có hướng đi thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế.
Hướng tới miễn thị thực nhập cảnh
Trên tinh thần đó, Thủ tướng đề nghị hướng tới tuyển dụng và phái cử những lao động có kỹ năng, trình độ, có khát khao học hỏi để bắt kịp sự phát triển của thời đại ở một số lĩnh vực ngành nghề Nhật Bản có thế mạnh như bán dẫn, công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ sinh học… từ đó, hình thành lực lượng lao động được đào tạo thông qua làm việc thực tế tại Nhật Bản để góp phần phát triển ngành nghề đó tại Việt Nam.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiều lao động Việt Nam đã coi Nhật Bản là quê hương thứ hai của mình, chấp nhận rời xa gia đình, người thân, sang Nhật Bản làm việc với nhiều hy vọng cho tương lai tốt đẹp hơn: có thu nhập cao, có cơ hội học hỏi và nâng cao chất lượng cuộc sống, được sống trong một môi trường hiện đại với bản sắc văn hoá Nhật Bản…
Do đó, Thủ tướng mong muốn các cơ quan chức năng của Nhật Bản, phía Việt Nam là Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp tốt với nhau để tạo điều kiện sống và làm việc tốt nhất cho người lao động Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng và địa phương Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi, đơn giản hóa thủ tục trong cấp thị thực, hướng tới miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Việt Nam để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước; sớm triển khai hình thức du lịch học tập, quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, học tập, làm việc tại Nhật Bản, trở thành cầu nối và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai đất nước, hai dân tộc.
Đối với các thực tập sinh, lao động Việt Nam đang làm việc và học tập tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng sẽ tận dụng tốt cơ hội sống và làm việc tại Nhật Bản, học tập được nhiều kiến thức và kỹ năng của một đất nước phát triển, học tập phong cách và thái độ làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp và đức tính tốt đẹp của con người Nhật Bản… Để sau này khi trở về Việt Nam sẽ trở thành những doanh nhân, những người lao động có kỹ năng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời, cần tuân thủ, chấp hành nghiêm luật pháp của Nhật Bản, không ngừng rèn luyện đạo đức, có cuộc sống vui tươi, lành mạnh, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.