> Để không lãng phí kép
> Vật liệu ế ẩm, nhà thầu điêu đứng
Tồn kho 500.000 tấn
Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường cho biết, sau khi có Nghị quyết 11, lượng thép tiêu thụ giảm rõ rệt nhất là vào tháng 4, 5 và 6. Hàng loạt doanh nghiệp ngành thép đang điêu đứng vì hàng tồn kho cao và kinh doanh khó khăn. Hầu hết các nhà máy thép hiện nay chỉ chạy khoảng 60% công suất thiết kế. Đến nay, lượng thép tồn kho của các doanh nghiệp vào khoảng gần 500.000 tấn.
Với mỗi tấn thép tồn kho, mỗi tháng, doanh nghiệp phải trả lãi ngân hàng từ 300.000 - 400.000 nghìn đồng. Như vậy, chỉ riêng với số thép tồn kho này, các doanh nghiệp thép sẽ phải trả lãi cho ngân hàng khoảng gần 150 tỷ đồng/tháng.
Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM), lợi nhuận đạt được chủ yếu đến từ việc kinh doanh trong các tháng đầu năm. Trong 2 tháng trở lại đây, do nhu cầu thép sụt giảm mạnh nên công ty phải cắt giảm sản lượng còn 50% công suất nhà máy.
Tình hình kinh doanh khó khăn cũng được Công ty cổ phần tập đoàn thép Tiến Lên (mã chứng khoán TLC) giải trình khá rõ trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo đó, chỉ trong quý I-2011, chi phí tài chính của TLC lên tới trên 68,3 tỷ đồng, tăng hơn 40 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Nợ / tổng tài sản khá lớn
Cũng theo ông Cường và một số chuyên gia ngành thép, đây là thời điểm các doanh nghiệp nhỏ phải trả giá cho việc đầu tư không bài bản, đầu tư theo phong trào, phớt lờ các cảnh báo của cơ quan chức năng cách đây một vài năm.
Thống kê cho thấy, có tới gần 30% doanh nghiệp ngành thép đang sử dụng công nghệ lạc hậu, khoảng hơn 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Điều đáng nói, các doanh nghiệp sản xuất thép đầu tư vào các loại công nghệ cũ này tập trung khá nhiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng. Cá biệt ở Thanh Hóa có doanh nghiệp đầu tư lò sản xuất thép chỉ ở mức 50 m3.
Đại diện Hiệp hội Thép dự báo từ năm 2012 có doanh nghiệp ngành thép sẽ phải trả giá, thậm chí là phá sản. “Trong thời gian tới mức thuế suất chung của khu vực sẽ về bằng 0. Khi đó những doanh nghiệp ngốn nhiều năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, chất lượng sản phẩm không tốt thì sẽ phải đóng cửa.
Tôi biết hiện có một doanh nghiệp sản xuất thép tại Hải Phòng do vay vốn ngân hàng quá nhiều, hoạt động kinh doanh không hiệu quả nên bị ngân hàng kiểm soát hết vốn. Toàn bộ hoạt động mua, bán phôi, thép của doanh nghiệp này đang bị ngân hàng kiểm soát rất chặt” - Ông Cường cho biết.
Một chuyên gia ngành thép khác cũng cho biết, do đặc thù của ngành là nhu cầu vốn lưu động lớn nên hiện các doanh nghiệp trong ngành thường duy trì tỷ lệ nợ/tổng tài sản ở mức khá lớn (từ 51% đến 79%). Với thị trường cung vượt cầu, chỉ tính riêng phải xử lý việc tiết giảm chi phí đội do sử dụng công nghệ lạc hậu (chủ yếu nhập từ Trung Quốc) cũng đủ khiến các doanh nghiệp phải đau đầu.