Giới chức Nhật Bản nhấn mạnh trong 10 năm tới, quốc gia này cần đầu tư khoảng 5.000 tỷ Yên (tương đương 33 tỷ USD) vào ngành công nghiệp sản xuất máy bay dân dụng.
Mục tiêu "trình làng" máy bay do Nhật Bản tự sản xuất trong hơn nửa thế kỷ qua tiếp tục được chú ý sau khi doanh nghiệp Mitsubishi Heavy Industries (MHI) rút lui khỏi dự án vào tháng 2/2023. Quá trình phát triển máy bay 2 động cơ cho các chuyến bay tầm ngắn và trung bình đã gặp khó khăn bởi gặp vấn đề kỹ thuật và liên tục trì hoãn giao hàng.
Ông Kazuchika Iwata - Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản - phát biểu: "Để ngành công nghiệp hàng không của Nhật Bản đạt được sự tăng trưởng bền vững, chúng tôi không thể chấp nhận tư cách chỉ là nhà sản xuất phụ tùng. Trong các lĩnh vực kinh doanh mới liên quan đến công nghệ trung hòa carbon, bao gồm cả hydro, chúng tôi đặt mục tiêu dẫn đầu và hợp tác với các công ty toàn cầu để phát triển máy bay thân hẹp".
Nhiên liệu hydro không sinh ra khí thải khi đốt cháy, điều này khiến nó trở thành một lựa chọn triển vọng đối với Nhật Bản, đất nước đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Người phát ngôn Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết: "Chúng tôi chưa quyết định về bất kỳ công nghệ cụ thể nào, nhưng các lựa chọn có thể bao gồm điện hybrid (kết hợp dầu và pin), động cơ đốt hydro, và hydro FC (pin nhiên liệu hydro). Đây có thể là những công nghệ tiếp theo mà chúng tôi đang xem xét và hướng tới để tăng cường nghiên cứu trong việc phát triển dòng máy bay thế hệ mới."
Lần cuối cùng một máy bay thương mại của Nhật Bản được giới thiệu là năm 1962 với chiếc phản lực cánh quạt YS-11 nhưng đã ngừng sản xuất khoảng một thập kỷ sau đó.
Trong khi đó, vào tháng 2/2024, Trung Quốc giới thiệu máy bay chở khách thân hẹp COMAC C919 tại Singapore nhằm thách thức sự thống trị của Airbus và Boeing.