Methane hydrate, hay clathrate, là một dạng đóng băng “giam cầm” hỗn hợp của nước và khí Mê-tan (khí gas), nên được gọi là “băng có thể cháy”. Có tiềm năng cực lớn nhưng rất khó khai thác vì nằm dưới các đáy biển, nơi có nền địa chất không ổn định.
Tập đoàn dầu khí, và kim loại quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đã phát hiện mỏ Methane hydrate có trữ lượng 1,1 nghìn tỷ m3 tại khu vực vịnh Nankai, cách miền trung nước này khoảng 50km, và bước đầu thành công trong việc chiết xuất khí ga từ “băng cháy”.
Nếu khai thác được toàn bộ khí mê-tan ở mỏ này, sẽ đáp ứng nhu cầu sử dụng khí đốt của Nhật trong 11 năm, tương đương 990 triệu tấn khí đốt.
Một quan chức từ Bộ kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản cho biết: “Đây là trường hợp đầu tiên trên thế giới thực hiện thành công việc chiết xuất khí ga từ methane hydrate”.
JOGMEC đã dùng phương pháp hạ áp suất để chiết xuất khí mê-tan từ methane hydrate, hiện nay nhiên liệu thu được đang trong quá trình thử nghiệm.
Một quan chức Nhật Bản cho biết nước này đặt mục tiêu hoàn thiện công nghệ khai thác “băng cháy” để đưa vào sử dụng trong vòng năm năm tới.
Nhật Bản được coi là quốc gia có ít tài nguyên thiên nhiên, và nhu cầu nhập khẩu dầu khí càng tăng cao hơn sau sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị rò rỉ trong năm 2011.
Trong quá khứ, các nhà khoa học tin rằng loại vật liệu này chỉ tồn tại bên ngoài vũ trụ, nhưng không lâu trước đây, “băng cháy” được phát hiện trên trái đất, hứa hẹn cung cấp cho con người một loại nhiên liệu mới thách thức các nhiên liệu truyền thống.
Nhận thức được tiềm năng khổng lồ của “băng cháy”, nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Canada, Nauy cũng đang nỗ lực phát triển công nghệ khai thác loại nhiên liệu này.
Nam Hoài
Theo BBC