> Nhật Bản thừa nhận các thanh nhiên liệu đã nóng chảy
Vụ xuống đường phản đối có quy mô lớn nhất kể từ khi nhà máy Fukushima rò rỉ phóng xạ sau trận động đất, sóng thần hồi tháng 3. Các nhà tổ chức nói rằng, 60.000 người tham gia biểu tình. Theo cảnh sát Tokyo, con số này vào khoảng 20.000.
Chính phủ Nhật Bản tuyên bố đang tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, nhưng những người biểu tình cho rằng thế vẫn chưa đủ. “Chúng tôi muốn chính phủ nói rõ khi nào họ ngừng sử dụng điện hạt nhân để tất cả chúng tôi có thể yên tâm và tích cực làm việc, sử dụng năng lượng tái tạo”, Yasunari Fujimoto, người lãnh đạo vụ xuống đường phản đối, nói.
Tân Bộ trưởng Công nghiệp của Nhật Bản nói rằng, sự phản đối của dân chúng khiến việc tái kích hoạt lò phản ứng thứ hai của nhà máy Fukushima gặp khó khăn, dù lò này bị hỏng nhẹ hơn nhiều so với lò chính. Mùa hè năm nay, Nhật Bản thiếu điện trầm trọng vì hơn 30 trong tổng số 54 lò phản ứng hạt nhân phải tạm dừng hoạt động để kiểm tra.
Để các lò phản ứng của nhà máy Fukushima hoạt động trở lại cần có sự đồng ý của chính quyền địa phương. Sau khi nhà máy rò rỉ phóng xạ, sự cố hạt nhân tồi tệ nhất kể từ vụ Chernobyl, khoảng 100.000 người ở tỉnh Fukushima buộc phải đi sơ tán. Hàm lượng phóng xạ cao được phát hiện ở trong nước, cá, rau, quả… ở nhiều khu vực.
Tháng này, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế nói rằng, các lò phản ứng của nhà máy Fukushima “về cơ bản là ổn định”; chúng sẽ được kiểm soát vào đầu năm tới theo kế hoạch.
Trước sự cố Fukushima, 30% sản lượng điện ở Nhật Bản đến từ các nhà máy điện hạt nhân. Theo các chuyên gia năng lượng, vì nghèo tài nguyên nên Nhật Bản sẽ mất nhiều thời gian và tiền bạc để phát triển những nguồn năng lượng thay thế.
Theo kết quả khảo sát 1.000 người lớn do công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu GkF và hãng tin Mỹ AP thực hiện từ tháng 7 đến tháng 8, 55% người Nhật Bản muốn giảm số lò phản ứng ở nước này, 35% muốn giữ nguyên, 4% muốn tăng và 3% muốn loại bỏ hoàn toàn.
Minh Long
(theo Euronews, AP)