> Vietnam's Got Talent: Sân chơi nổi tiếng và tai tiếng
Với tư cách là một nhạc sĩ, anh có nghĩ như những giám khảo với phần dự thi của thí sinh Quỳnh Anh trong cuộc thi Vietnam's Got Talent phát sóng ngày 12-2-2012 vừa qua không?
Với tư cách một người làm việc trong giới showbiz, nếu tôi là giám khảo, tôi cũng sẽ loại Quỳnh Anh. Chất giọng ấy có thể chỉ dừng lại ở mức độ ca sỹ phong trào ở thời điểm này mà thôi. Nếu muốn, phải chịu khó học thì may ra mới có thể theo đuổi con đường ca hát chuyên nghiệp được.
Còn với tư cách là một nhà báo, anh có nghĩ, những bài báo đang phỏng vấn mẹ của em Quỳnh Anh, sẽ càng làm tổn thương cô bé không?
Có lửa mới có khói, sự việc gì cũng có xâu chuỗi của nó cả. Nếu mẹ của Quỳnh Anh không lên cướp diễn đàn thì sao có chuyện đó. Nhà báo họ khai thác câu chuyện theo nhiều góc độ để đảm bảo tính khách quan của nó. Vả lại, theo tính chuyên nghiệp của báo chí, mẹ của Quỳnh Anh có quyền từ chối trả lời.
Xét cho cùng, rút ra cái gì? Đây là bài học chung của xã hội hiện nay, không chỉ chuyện cuộc thi ca nhạc này mà còn là nhiều chuyện khác cũng vậy. Đó là thái độ chấp nhận thất bại thế nào cho văn minh.
Một cô con gái đi thi năng khiếu, bị loại, mẹ đã nhảy lên chất vấn cả BGK và cả khán giả rằng "Tôi thấy cháu hát xúc động". Cảm nhận mỗi người mỗi khác. Đồng ý là bà Ngọ thấy xúc động và cũng có thể có một số khán giả thấy vậy nhưng BGK thì không và bản thân tôi cũng như những người quen xung quanh tôi thì không.
Bà ấy không thể áp đặt cảm nhận của mình lên người khác. Càng không thể cho rằng người khác không đánh giá đúng cái mà mình đã đánh giá và vì không thừa nhận thất bại; bao gồm cả thất bại của Quỳnh Anh lẫn thất bại về sự thuyết phục người khác tin theo cảm nhận của mình, của bà mẹ. Chính bà ấy đẩy con gái mình vào hố tổn thương tâm lý.
Quỳnh Anh đã không muốn mẹ phát biểu nhưng bà mẹ vẫn nói "Cứ để mẹ nói". Cái cách bảo bọc con cái kiểu rất chung của người Việt ấy đã giết đi cái tự tin của mỗi con người. Ngày xưa, Lê Đạt viết một câu rất hay "Cha quăng con vào cuộc sống". Người Việt nên biết cách quăng con mình vào cuộc sống, lặng thầm đứng phía sau ra tay nâng đỡ khi thực sự con mình đã đường cùng. Tự nó bươn chải nó mới nên người
Có nhiều nhận định cho rằng, Got Talent chỉ là "phi vụ kinh doanh tàn nhẫn". Anh đánh giá về điều đó thế nào?
Nên nhớ, showbiz hay bất kỳ cái gì liên quan đến kinh doanh truyền thông đều tàn nhẫn. Người nước ngoài gọi truyền thông là con kền kền nhưng nếu hiểu theo cách tích cực thì không đến nỗi. Vả lại, khi thi, người thi cũng như gia đình bảo trợ người đi thi (vị thành niên) đều phải ký cam kết. Đã là cam kết thì phải tuân thủ. Chúng ta nên học cách sống theo pháp luật dần đi, đừng cảm tính quá.
Còn triết lý chung là gì, không chỉ ở Việt Nam, thì Kinh doanh từ sự quan tâm của công chúng là tàn nhẫn bởi lẽ bạn phải đưa ra một điển hình để người ta có thể: Thương hại; Đồng cảm; Mỉa mai và cười chế nhạo.
Người Đức có câu rất hay là "Không có sự hân hoan nào dã man hơn sự hân hoan khi nhìn thấy người khác khốn cùng". Nói chung, đây là cuộc chơi thôi. Chơi thì có luật chơi và phải chấp nhận luật chơi. Chơi để vui, không thấy vui đừng có chơi nữa.
Nếu Quỳnh Anh đọc bài báo này, anh có lời khuyên nào cho cô bé ấy không?
Tôi khuyên cô ấy là: "Nhìn thẳng vào sự thật mà sống, dũng cảm vượt qua những lời cười nhạo, vì tương lai của Quỳnh Anh vẫn còn sáng lắm. Một người trẻ, biết nhiều thứ tiếng như thế, sẽ có cơ hội lớn ở cuộc đời. Mà cuộc đời này rộng hơn showbiz kia rất nhiều.
Hơn nữa, nên ngồi xuống với ba mẹ như những người lớn và đề nghị họ hãy cho mình được tự đương đầu, tự quyết định những lựa chọn của mình. Tất nhiên, vẫn nên lắng nghe những lời khuyên từ cha mẹ”.
Ngọc Đinh