Đường dây nóng báo Tiền Phong nhận được phản ánh của người dân về hiện tượng nhiều nhà xưởng nấu keo sản xuất gỗ ép, lò đúc kim loại hoạt động xả khói ngày đêm khiến không khí tại các xã Xuân Khanh, Mai Lâm, Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội) bị ô nhiễm.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên khu đất rộng hàng ngàn mét vuông ngay cổng vào thôn Đồng Dầu, xã Dục Tú có nhiều nhà xưởng được xây dựng, quây tôn để sản xuất gỗ ép, lò đúc kim loại. Các nhà xưởng rộng hàng trăm mét, với đủ các loại máy móc đang hoạt động, mùi hăng nồng của bột gỗ, mùi hóa chất, khói đen từ các ống khói liên tục phát tán. Sau hơn 30 phút khảo sát, mắt chúng tôi bị cay, cảm giác khó thở. Ngoài ô nhiễm không khí, nước hai con mương quanh các nhà xưởng đặc quánh màu đen, bẩn thỉu.
Không chỉ các hộ dân, Trung tâm Bảo trợ xã hội I Hà Nội (nơi có gần 100 người già, trẻ em cơ nhỡ không nơi nương tựa và cán bộ, công nhân viên) chịu ảnh hưởng nặng nề. Một cán bộ của trung tâm (xin giấu tên) cho hay: “Các nhà xưởng thường xả khói nhiều vào sáng sớm và chiều tối. Mỗi lần như vậy là chúng tôi phải vào phòng đóng kín cửa, ngồi trong nhà mà vẫn ngửi thấy mùi khét”, vị cán bộ này nói.
Tại xã Xuân Canh, một nhà xưởng nấu keo sản xuất gỗ ép rộng hàng trăm mét ngay bờ đê sông Đuống, đối diện xóm Hồ Sen cũng khiến không khí khu vực này ô nhiễm nghiêm trọng. Một người dân tại đây cho hay, khói từ nhà xưởng bay vào làng, gây các bệnh hô hấp cho người già, trẻ nhỏ. Thậm chí khói còn vượt sông, bay sang các quận nội thành. Phóng viên tiến hành khảo sát các địa điểm khác tại xã Mai Lâm… đều ghi nhận có tình trạng các nhà xưởng sản xuất xả khói gây ô nhiễm môi trường. Nhiều xe hạng nặng chở vật liệu di chuyển ngày đêm khiến các cung đường liên thôn, liên xã xuống cấp nghiêm trọng, bụi bay mù mịt.
Nhà xưởng xây trên đất nông nghiệp
Ông Nguyễn Đăng Thọ, Phó Chủ tịch UBND xã Dục Tú thừa nhận tình trạng ô nhiễm môi trường do các xưởng sản xuất gỗ ép, gỗ dán và tái chế phế liệu gây ra. Ông Thọ cũng cho hay, khu đất các nhà xưởng rộng 10.000m2 là đất nông nghiệp, bị các hộ dân quây tôn lấn chiếm để làm nhà xưởng. Sau khi nhận ý kiến của người dân, huyện Đông Anh đã chỉ đạo xã Dục Tú rà soát, thống kê và xây dựng kế hoạch để xử lý. Theo kế hoạch, đến ngày 16/10 lực lượng chức năng sẽ cưỡng chế các công trình vi phạm.
Tuy nhiên, khi phóng viên đưa hình ảnh nguyên vật liệu tiếp tục được tập kết về, công nhân vận hành máy hoạt động liên tục, khói đen bốc lên trời thì vị Phó Chủ tịch này lại lý giải: Vì muốn xử lý nốt những nguyên vật liệu còn dang dở nên tạo điều kiện cho các chủ xưởng đến hết tháng 11/2019. “Sau thời gian đó mà các chủ xưởng không chấp hành, chúng tôi sẽ báo cáo huyện Đông Anh, ra quân cưỡng chế di dời”, ông Thọ nói thêm.
Ông Nguyễn Sỹ Minh, nguyên giảng viên khoa Kỹ thuật Hóa học (Đại học Bách khoa) cho hay, khi sản xuất gỗ công nghiệp bắt buộc phải dùng đến một loại keo dán gỗ, thành phần của loại keo này có chứa chất formaldehyde là một chất hóa học rất nguy hiểm cho con người, gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư về đường hô hấp như mũi, họng, phổi. Hóa chất formaldehyde (dùng trong ngành công nghiệp này) là tác nhân gây ra sai lệch và biến dị các nhiễm sắc thể, phụ nữ có thai bị nhiễm có thể bị ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai.