Nhà tàu nói về vụ tấn công cảnh sát, cướp hàng lậu

TP - Giám đốc Xí nghiệp Vận tải Đường sắt Hà Lạng Nguyễn Tất Thương (thuộc Cty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội), trao đổi với Tiền Phong, sáng 7 - 1, xung quanh vụ hàng trăm người dùng gạch đá tấn công lực lượng cảnh sát kinh tế và quản lý thị trường tại ga Gia Lâm (Hà Nội).

> Tấn công cảnh sát, cướp hàng lậu 

“Hàng bị tạm giữ trên tàu ĐĐ4 chủ yếu là hàng tạp hoá có nguồn gốc Trung Quốc. Hàng này, về thuế và hải quan, khách hàng thực hiện với cơ quan chức năng, phía đường sắt chỉ có thẩm quyền kiểm tra cước vận chuyển. Sát cạnh ga Đồng Đăng từ lâu đã hình thành một trạm liên ngành hải quan, thuế, công an, nhằm kiểm tra các mặt hàng trước khi lên tàu”.

Số lượng hàng trên tàu là bao nhiêu, thưa ông?

Về phía đường sắt, sau khi kiểm tra cho thấy số hàng này đã nộp đầy đủ cước phí, tôi chưa nắm được chính xác số lượng nhưng chắc chắn không phải 40 tấn và không có chuyện tháo dỡ ghế để chở hàng. Toa xe vẫn đấy, cơ quan có thể đến kiểm tra.

Ông nói gì khi có nghi vấn tàu hỏa tiếp tay cho buôn lậu dịp Tết?

Theo quy định, hàng hoá trong quá trình vận chuyển phải được cơ quan chức năng kiểm tra. Hằng ngày, trên tuyến này, việc đó vẫn diễn ra bình thường. Gần ga Đồng Đăng có trạm kiểm tra hàng hoá trước khi lên tàu, đường sắt có trách nhiệm phối kết hợp, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng. Đường sắt không thể chủ động làm được việc trên, do không có chuyên môn nghiệp vụ về thuế, hải quan... Chức năng của chúng tôi là kiểm tra cước cho thật chặt.

“Hàng lên tàu phải được tổ liên ngành đồng ý”

Chiều tối 7-1, liên quan tới việc trên, Phó Tổng GĐ Cty Vận tải hành khách Đường sắt Hà Nội Nguyễn Văn Bính, cho biết: “Chúng tôi vừa kiểm tra, thực tế có hơn 22 tấn, trong đó có 20,6 tấn bán cước ở ga Đồng Đăng, 1,9 tấn bán cước vận chuyển tại ga Lạng Sơn. Ga Đồng Đăng báo về có 10 bộ thuế hàng phát mãi, 30 bộ có thuế. Cách làm việc của ga Đồng Đăng và ga Lạng Sơn dựa trên quy chế phối hợp của tổ liên ngành (được thành lập tháng 7-2009).

Tổ trưởng là người của Chi cục thuế, tổ phó là phía công an. Thành viên có người của ga, đội tàu và biên phòng. Điều kiện để lô hàng này lên tàu là phải được sự đồng ý của tổ liên ngành. Tôi khẳng định không tiếp tay cho buôn lậu và cũng không có chuyện tháo ghế để xếp hàng, mà thực tế có một toa hành lý (chở hành lý nên không có ghế). Đêm 6-1, nhiều CSCĐ trực ở ga Gia Lâm, nhưng còn phải vất vả ngăn chủ hàng, nữa là lực lượng mỏng như ga Đồng Đăng hay ga Lạng Sơn trước biển người ồ ạt chuyển hàng lên tàu”.

Theo Báo giấy