Tin hot BĐS tuần qua:

Nhà riêng lẻ cấp tới 4 tầng hầm, dân chung cư ngỡ ngàng bị mất đường đi

TPO - Cư dân chung cư 'tá hỏa' vì đường nội bộ thành đường công cộng; Nhà riêng lẻ có đến 4 tầng hầm ở Hà Nội: Cấp nhiều tầng hầm để làm kho?; Nở rộ dự án tự phong 'tựa núi, nhìn mây' để dụ khách hàng ở Hòa Bình; Huyện muốn nhổ cà phê làm khu đô thị trên đất nông thôn mới... là những thông tin về bất động sản đáng chú ý tuần qua.

Cư dân chung cư 'tá hỏa' vì đường nội bộ thành đường công cộng

Vừa dọn về chung cư Richmond City (quận Bình Thạnh) do Công ty CP Cơ khí và Xây dựng Bình Triệu làm chủ đầu tư, nhiều cư dân tại đây "tá hỏa" khi bức tường bao bọc khuôn viên chung cư lại tháo dỡ và con đường nội bộ của cư dân bỗng dưng trở thành đường công cộng.

Việc tháo dỡ bức tường bao quanh chung cư Richmond City gây nhiều lo lắng cho cư dân về ùn tắc giao thông và an toàn PCCC.

"Việc tháo bỏ tường bao quanh khuôn viên khu chung cư và việc trường Mầm non 26 sử dụng lối đi nội bộ của chung cư Richmond City sẽ gây áp lực giao thông cho khu này. Vì lượng xe cộ sẽ đông hơn khi phụ huynh đưa đón học sinh hàng ngày. Hơn nữa, phía dưới con đường nội bộ này là hầm để xe của dự án sẽ ảnh hưởng tới tuổi thọ của công trình. Đó là chưa kể, chung cư Richmond City đã được duyệt phương án PCCC, thoát nạn và đảm bảo cho các phương tiện PCCC tiếp cận công trình khi xảy ra sự cố., cư dân lo lắng. (Xem chi tiết)

Nhà riêng lẻ cấp 4 tầng hầm ở Hà Nội: 2 tầng làm kho chứa

Việc công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ tại lô đất B3 phố Sơn Tây được UBND quận Ba Đình (Hà Nội) cấp GPXD 5 tầng nhưng có đến 4 tầng hầm không chỉ gây xôn xao cho người dân ở khu vực mà còn gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên môn và cơ quan quản lý.

GPXD cấp cho công trình tại lô đất B3 phố Sơn Tây-phường Điện Biên có đến 4 tầng hầm, với tổng diện tích các tầng hầm gần bằng tổng diện tích các tầng nổi.

Trong khi đó, lý giải của Phòng Quản lý đô thị quận Ba Đình thì việc điều chỉnh cấp GPXD bổ sung cho công trình nhà ở riêng lẻ này từ 1 tầng hầm lên 4 tầng hầm thì có đến 2 tầng hầm được sử dụng vào mục đích làm kho chứa. (Xem chi tiết)

Nở rộ dự án tự phong 'tựa núi, nhìn mây' để dụ khách hàng ở Hòa Bình

Nắm được xu hướng nhà đầu tư dịch chuyển từ bất động sản nghỉ dưỡng biển sang nghỉ dưỡng núi ngày một nhiều, gần đây xuất hiện hàng loạt dự án trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với những quảng cáo dự án "tựa núi, nhìn mây", rao bán rầm rộ khi chưa đủ điều kiện pháp lý, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách.

Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình cho biết, dự án Onsen Villas không nằm trong danh sách các dự án do UBND tỉnh Hòa Bình phê duyệt mà đây là do chủ đầu tư tự mua gom đất của người dân sau đó xây dựng để bán.

Có thể kể đến như dự án khu nhà ở có địa chỉ tại xã Hòa Sơn (huyện Lương Sơn) do Liên danh Công ty CP sản xuất đầu tư thương mại Thiên Phúc và Công ty TNHH xây dựng Thành Hưng làm chủ đầu tư được quảng cáo, rao bán rầm rộ trên các website với cái tên gọi mỹ miều là “The Spring Town”, tự mệnh danh là khu đô thị hiện đại bậc nhất Xuân Mai; dự án khu biệt thự nhà vườn Hồ Dụ tại xã Mông Hóa (huyện Kỳ Sơn), nay thuộc TP Hoà Bình) có cái tên tự phong là Sakana & Resort có quy mô rộng gần 50ha được xây dựng trên quỹ đất rừng do Công ty CP phát triển nghỉ dưỡng Ngoại Ô làm chủ đầu tư hay như dự án Onsen Villas (còn gọi là Ohara Villas & Resort ) ở TP Hoà Bình có tổng diện tích là 10ha… (Xem chi tiết)

Chưa được giao đất, chủ khu đô thị sinh thái ở Khánh Hòa đã ồ ạt san lấp

Dù chưa được chính quyền địa phương giao đất, nhưng Công ty CP Đầu tư VCN - chủ đầu tư dự án Khu đô thị sinh thái VCN (xã Vĩnh Thái, TP Nha Trang, Khánh Hoà) vẫn cho máy móc, công nhân san lấp mặt bằng để thực hiện dự án.

Máy móc san lấp mặt bằng tại dự án KĐT sinh thái VCN.

Có mặt tại dự án này vào ngày 24/8, PV Tiền Phong phát hiện chủ đầu tư đã cho máy móc, công nhân san lấp mặt bằng tại dự án. Hàng trăm m2 đất đìa tôm của người dân được san phẳng. Hàng chục xe tải nối đuôi chở đất chạy rầm rộ vào dự án đổ đất. Ngay phía cổng dự án, có chốt bảo vệ được lập để kiểm soát người và phương tiện ra vào dự án. (Xem chi tiết)

Huyện muốn nhổ cà phê làm khu đô thị trên đất nông thôn mới

Đất đang trồng cà phê, UBND huyện UBND huyện Cư Mgar xin chủ trương lập quy hoạch chi tiết dự án khu đô thị tại xã Cư Suê thuộc phần đất của Cty cổ phần cà phê Ea Pốk. “Sau khi nhận tờ trình này, chúng tôi sẽ tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh Đắk Lắk. Thế nhưng để hoàn thiện dự án này còn rất nhiều yếu tố, mất rất nhiều thời gian”, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk nói.

Công ty cà phê Ea Pốk nay muốn đầu tư sang lĩnh vực bất động sản ngay trên nền đất được Nhà nước giao để cho nông dân trồng cà phê dạng nhận khoán.

Được biết, tại Đắk Lắk hiện nay đang có xu hướng xin chuyển đổi đất nông nghiệp sang làm đô thị hoặc dự án nhà ở vì giá trị đất cao. Có doanh nghiệp mang danh trồng cà phê nhưng chỉ thích chuyển đổi làm đô thị. (Xem chi tiết)

DN, môi giới BĐS than khó tiếp cận khách sau 'lệnh' cấm quảng cáo nhắn tin, gọi điện

Từ ngày 1/10, việc gọi điện, nhắn tin rác mời mua bất động sản sẽ bị xử phạt.

Việc Chính phủ ban hành Nghị định 91/2020/NĐ-CP, bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020 không chỉ ảnh hưởng tới môi giới bất động sản mà còn ảnh hưởng tới cả ngành bảo hiểm, ngân hàng… Tuy nhiên, quy định này sẽ buộc các công ty bất động sản hướng tới giải pháp tiếp cận khách hàng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. (Xem chi tiết)

Bán 2 dự án ‘ma’ để chiếm đoạt 50 tỷ đồng, giám đốc công ty bất động sản bị bắt

Dương Văn Long, Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật Kiến trúc Xây dựng Hoàng Long đã “vẽ” ra dự án ở phường Hắc Dịch và dự án Khu dân cư Hoàng Long Center City tại xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu để bán cho khách hàng bằng hình thức hợp đồng đặt cọc đất nền để chiếm đoạt hơn 50 tỷ đồng.

Một dự án "ma" tại phường Hắc Dịch, thị xã Phú Mỹ được Công ty Hoàng Long vẽ để lừa đảo tiền của khách hàng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt giữ Long để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. (Xem chi tiết)

Quận nào của Hà Nội có nhiều chung cư 'om' quỹ bảo trì nhất?

Nhiều toà chung cư tại Hà Nội chưa thành lập BQT và chậm bàn giao quỹ bảo trì 2% dẫn tới những khiếu kiện của cư dân. (Trong ảnh: Cư dân chung cư Athena Complex Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư 379 trả sổ hồng, quỹ bảo trì cho cư dân...)

Các quận như Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và Thanh Xuân trên địa bàn mỗi quận có tới hàng chục toà chung cư chậm trễ trong việc thành lập Ban quản trị, chây ì bàn giao quỹ bảo trì. Trong đó, riêng quận Nam Từ Liêm có tới 37 tòa chung cư chưa bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân. (Xem chi tiết)