Nhà máy thiếu người, nông thôn thiếu việc

TP - Các doanh nghiệp tại Đồng Nai đang thiếu trên 20.000 lao động. Thế nhưng, một thống kê cho thấy, tỉnh Đồng Nai có trên 42.000 hộ nghèo, trong số đó, 62% thiếu việc làm.
Ở nông thôn thanh niên thiếu việc, nhưng những khóa đào tạo nghề miễn phí lại thiếu người học. (Trong ảnh: Học viên học nghề tại trường Dạy nghề số 8 - Bộ Quốc phòng). Ảnh: Đức Minh


Trong 62% số người thất nghiệp, thiếu việc làm (tính trên 42.000 hộ nghèo ở Đồng Nai), đa phần tập trung ở các huyện vùng sâu, vùng xa, trong số đó có hàng ngàn thanh niên.

Một cán bộ ở huyện Tân Phú nêu thực trạng, trong khi nhiều công ty về tận nơi tuyển công nhân nhưng không bao giờ đủ số lượng cần, gần như thanh niên ở nông thôn không quan tâm, họ chỉ thích làm việc tự do.

Ông Lê Văn, Trưởng phòng Lao động -Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH) huyện Tân Phú cho rằng, dù không có việc làm nhưng một bộ phận thanh niên ít chịu đi làm công nhân là do đi xa và chỉ quen môi trường lao động tự do.

Chỉ cần biết đọc

Khi tuyển lao động phổ thông, ngoài mức lương đưa ra, doanh nghiệp còn nâng các mức hỗ trợ đời sống như tiền ăn trưa, nhà ở, phương tiện… và hạ các tiêu chuẩn như chỉ cần biết đọc (hoặc biết ký tên nhận lương), nâng độ tuổi lao động. Thế nhưng, doanh nghiệp vẫn chạy đôn, chạy đáo đủ đường để tìm lao động.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai, hiện nay các công ty đang cần khoảng 20.000 lao động.

Ông Đào Ngọc Hoàng, Trưởng phòng Chính sách Lao động  cho biết: Trước thực trạng cung không đáp ứng đủ cầu về lao động như hiện nay, Sở LĐ-TB&XH có văn bản gửi các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa đề nghị hỗ trợ, chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương tuyên truyền, đưa tin để người lao động biết và đăng ký tìm việc tại phòng lao động hoặc trung tâm dạy nghề các địa phương.

Sở LĐ-TB&XH cũng giao trách nhiệm cho Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với các doanh nghiệp đến trực tiếp các địa phương để tiếp nhận lao động. Hiện nay tại Đồng Nai, số lao động không có việc làm thường xuyên trên 31.000 người. Chỉ cần tận dụng được số lao động này, cũng đáp ứng phần lớn nhu cầu của các doanh nghiệp.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động và người lao động tìm kiếm việc làm, mỗi năm, tỉnh Đồng Nai chi ra hàng ngàn tỷ đồng để đào tạo nghề ở khu vực nông thôn, trong số đó có đào tạo nghề cho thanh niên.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Phượng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đồng Nai cho biết: Tỉnh hỗ trợ sáu triệu đồng/năm đối với hệ học nghề cao đẳng và 4,6 triệu đồng/năm đối với hệ trung cấp.

Mặc dù được đào tạo nghề miễn phí, nhưng việc học nghề vẫn chưa được thanh niên nông thôn quan tâm lắm. Năm 2009, Sở LĐ-TB& XH đưa ra chỉ tiêu đào tạo nghề là 15.500  học viên nhưng cũng chỉ tuyển được khoảng 12.000 học viên.