Nhà máy lọc dầu Dung Quất góp phần bình ổn xăng dầu trong nước

TP - Sau hơn 2 năm kể từ ngày đón dòng sản phẩm đầu tiên (22-2-2009), Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho ra những dòng sản phẩm hữu ích và trở thành yếu tố chính trong việc bình ổn thị trường xăng dầu trong nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã và đang giúp Việt Nam tự chủ khoảng 33% nhu cầu năng lượng xăng dầu
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã và đang giúp Việt Nam tự chủ
khoảng 33% nhu cầu năng lượng xăng dầu.

Hoạt động vượt 100% công suất

Từ chỗ hoạt động ở mức 100% công suất, hiện nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất được nâng lên ở mức 105% công suất. Ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng Giám đốc Cty Lọc Hoá dầu Bình Sơn - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất cho biết, có thời điểm nhà máy được nâng lên tới 107% công suất.

Ông Giang tính toán: “Từ khi cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất vận hành vượt mức 100% công suất, mỗi ngày sản phẩm sản xuất tăng thêm hơn 1.000 tấn, nếu quy ra tiền thì tương đương với khoảng 20 tỷ đồng/ngày. Việc nâng công suất này đã được đội ngũ chuyên gia, kỹ sư của nhà máy tính toán kỹ và nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi. Nhà máy vẫn vận hành ổn định, đảm bảo độ an toàn”.

Việc tăng công suất của nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng là để giải quyết nhu cầu cung ứng xăng dầu cho các đơn vị đầu mối trong nước. Nếu như trong những tháng cuối năm 2010, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sắp “điêu đứng” vì sản phẩm làm ra không tiêu thụ kịp, lượng tồn kho vượt mức thì nay đã giải quyết xong. Không còn khái niệm tồn kho với xăng dầu mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam”.

Giải thích về “cái hên” này, ông Hoài Giang cho rằng, do giá ngoại tệ và hàng hoá tăng cao nên các đơn vị kinh doanh xăng dầu đã chọn giải pháp mua xăng dầu trong nước để tung ra thị trường tiêu thụ.

Ngoài ra, việc công khai thu mua sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, chấm dứt chuyện bao tiêu độc đoán, thu hút các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu khác như Tổng Cty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Cty Thương mại kỹ thuật và đầu tư (Petec)... tham gia thu mua sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Việc một đơn vị kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex (vốn chiếm khoảng 55% thị phần xăng, dầu trong nước) tham gia thu mua sản phẩm của nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ tạo được đầu ra ổn định cho các sản phẩm của nhà máy trong thời gian tới, nhất là thời điểm khi nhà máy được nâng cấp mở rộng lên 10 triệu tấn/năm.

Chiếm lĩnh 33% nhu cầu xăng dầu trong nước

Năm 2010, ước doanh thu của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khoảng 53.800 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 14.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2011, nhà máy đạt doanh thu lên đến 73.000 tỷ đồng. Việc nâng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm đang tập trung triển khai.

“Nếu không có gì trở ngại thì đến năm 2015, nhà máy lọc dầu Dung Quất mở rộng sẽ chính thức đi vào hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, trong năm 2011, chúng tôi sẽ phải cho tạm dừng hoạt động của nhà máy để thực hiện công đoạn bão dưỡng lại máy móc, thời gian dừng chừng 2 tháng” - ông Giang cho biết.

Ngoài ra, những dự án mang tính “dài hơi” như xây dựng các nhà máy nằm trong tổ hợp lọc hoá dầu Dung Quất cũng sẽ được thực hiện. Như vậy, nếu mọi chuyện được thực hiện suôn sẻ thì khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất được nâng công suất, Việt Nam sẽ đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ quốc gia không chỉ ở con số 33% nhu cầu như hiện nay.

Hơn 2 năm đi vào vận hành, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã thành công trong việc lọc dầu nhưng cũng đã có những bước tiến nhảy vọt trong việc “lọc người”, đào tạo nguồn nhân lực lọc hoá dầu đảm trách công việc vận hành trơn tru Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nhiều kỹ sư Việt Nam đã hoàn toàn tự tin khẳng định rằng họ đã chủ động vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất!

“Hiện giờ thì đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam tham gia công tác vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã hoàn toàn tự chủ việc vận hành nhà máy, cũng như tiếp cận công nghệ ở mức 90%. Đây là tin vui, khẳng định được năng lực của đội ngũ những người vận hành nhà máy là rất tốt và đầy ấn tượng”, ông Giang nói.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế. Vận hành thì yên tâm rồi nhưng bảo dưỡng các thiết bị nhà máy hoặc xử lý một số vấn đề kỹ thuật phức tạp thì vẫn còn cần tới chuyên gia của nước ngoài.

Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định rằng, đến tháng 3 hoặc tháng 4 năm nay thì 100% công nhân, kỹ sư Việt Nam sẽ đảm trách nhiệm vụ vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất mà không cần đến sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài như lâu nay. Riêng trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 (tức 2 tháng) thì sẽ phải cần tới chuyên gia nước ngoài để bảo dưỡng nhà máy lọc dầu Dung Quất theo như kế hoạch đã định”.

Theo Báo giấy